NỘI QUY KỲ HỌP: TÀI LIỆU PHỤC VỤ TẠI KỲ HỌP QUỐC HỘI LƯU HÀNH BẰNG HÌNH THỨC VĂN BẢN ĐIỆN TỬ

29/11/2022

Nội quy Kỳ họp Quốc hội được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 4 nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; nội quy hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng thống nhất.

BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Nội quy gồm 03 chương và 58 điều với những điểm mới chủ yếu: Bổ sung các quy định về tổ chức kỳ họp bất thường; hình thức làm việc trực tuyến; quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp toàn thể, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tranh luận, thảo luận tại phiên họp; trách nhiệm trong việc đề xuất biểu quyết một số vấn đề trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết; trách nhiệm giải trình làm rõ ý kiến thảo luận ở Tổ; hồ sơ, trình tự Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và giao Chính phủ chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trình tự Quốc hội xem xét đề nghị của Chủ tịch nước về việc xem xét lại pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy trình, thủ tục ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội và trách nhiệm chuẩn bị, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết kỳ họp Quốc hội.

Tài liệu chính thức phục vụ tại kỳ họp Quốc hội được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử

Đối với quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội sửa đổi nêu rõ, tài liệu bao gồm: Tài liệu chính thức gồm tài liệu thuộc hồ sơ của các dự án luật, dự thảo nghị quyết, đề án theo quy định của pháp luật và các tờ trình, báo cáo khác thuộc nội dung của kỳ họp Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội; Tài liệu tham khảo gồm các ấn phẩm, chuyên đề, báo cáo và các sản phẩm nghiên cứu, biên dịch được cung cấp cho đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin về nội dung Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp, do Tổng Thư ký Quốc hội quyết định. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Đại biểu Quốc hội có thể đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cung cấp thông tin, tài liệu khác liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội.

Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp (sửa đổi)

Hình thức lưu hành tài liệu phục vụ tại kỳ họp Quốc hội được quy định như sau: Tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trường hợp thuộc bí mật nhà nước thì lưu hành bằng văn bản giấy. Đối với tài liệu đã lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trong trường hợp cần thiết, Tổng Thư ký Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định việc lưu hành thêm văn bản giấy; trường hợp đại biểu Quốc hội có yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc cung cấp thêm tài liệu bằng văn bản giấy. Hình thức lưu hành tài liệu tham khảo do Tổng Thư ký Quốc hội quyết định.

Tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội được gửi đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội theo thời hạn quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, luật, nghị quyết có liên quan. Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm được công khai đến đại biểu Quốc hội. Căn cứ quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội ban hành danh mục tài liệu thu hồi tại kỳ họp Quốc hội.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị gửi đến đại biểu Quốc hội tài liệu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định. Văn phòng Quốc hội phải bảo đảm hệ thống cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội vận hành thông suốt, thống nhất, an toàn, hiệu quả.

Tài liệu chính thức phục vụ kỳ họp Quốc hội, luật, nghị quyết của Quốc hội, biên bản, tài liệu ghi âm của các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội, phiếu biểu quyết và các tài liệu khác liên quan đến kỳ họp Quốc hội được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 07 phút

Liên quan đến các nội dung về phiên họp toàn thể của Quốc hội, Nội quy quy định: Phiên họp toàn thể của Quốc hội gồm phiên trù bị, phiên khai mạc, phiên bế mạc, nghe thuyết trình về dự án, dự thảo, trình bày báo cáo, các phiên thảo luận, chất vấn và biểu quyết thông qua.

Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

Quốc hội họp trù bị trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội để xem xét, thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội và tiến hành một số nội dung khác. Đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuyết trình về dự án, dự thảo, trình bày báo cáo không quá 15 phút, trừ trường hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Trình tự phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận về nội dung của kỳ họp Quốc hội được tiến hành như sau: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp nêu nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận; Đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu qua hệ thống điện tử; Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận theo thứ tự đã đăng ký. Khi muốn tranh luận với đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó, đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận.

Căn cứ nội dung và tình hình thảo luận thực tế, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể mời đại biểu Quốc hội phát biểu không theo thứ tự đăng ký, mời đại biểu Quốc hội đã đăng ký phát biểu tranh luận ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu trước đó; yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung;

Tại phiên họp toàn thể thảo luận lần đầu về dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tại phiên họp toàn thể thảo luận lần tiếp theo về dự án luật, dự thảo nghị quyết, mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội;

Thời gian phát biểu, giải trình tại phiên họp toàn thể của Quốc hội như sau: Đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 07 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 03 phút; Đại biểu Quốc hội tranh luận mỗi lần không quá 03 phút; Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội mỗi lần không quá 10 phút.

Căn cứ diễn biến phiên họp, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thẩm quyền sau đây: Đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài thời gian của phiên họp không quá 30 phút của phiên họp buổi sáng, không quá 60 phút của phiên họp buổi chiều khi thời gian của phiên họp không đủ để tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận. Trong thời gian kéo dài phiên họp, đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu lần thứ nhất được phát biểu không quá 05 phút; Quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung được thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu.

Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 03 phút đối với mỗi câu hỏi

Về chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Nội quy nêu rõ, trình tự phiên chất vấn được tiến hành như sau: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn nêu nhóm vấn đề đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn; Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn qua hệ thống điện tử; Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn mời từng đại biểu Quốc hội chất vấn theo thứ tự đăng ký; mời người bị chất vấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Căn cứ nội dung và tình hình thực tế, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn mời đại biểu Quốc hội đã đăng ký phát biểu tranh luận nội dung trả lời của người bị chất vấn; khi có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận về cùng vấn đề đang được chất vấn thì đại biểu Quốc hội đã nêu chất vấn về vấn đề đó được ưu tiên tranh luận trước;

Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn có quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng chất vấn hoặc tranh luận nếu đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận quá thời gian hoặc không chất vấn, tranh luận đúng nội dung; yêu cầu người bị chất vấn dừng trả lời chất vấn khi trả lời không đúng trọng tâm chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc quá thời gian;

Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 01 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 03 phút đối với mỗi câu hỏi. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp quyết định việc kéo dài thời gian nêu chất vấn, trả lời chất vấn.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; không được sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 02 phút.

Hồ Hương

Các bài viết khác