PGS.TS PHẠM TRUNG LƯƠNG: HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp"
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” vừa qua, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết, kinh tế ban đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Hình ảnh truyền thống của những khu vực trung tâm thành phố yên tĩnh, vắng vẻ vào ban đêm hiện nay không còn xuất hiện trong thực tế ở nhiều nước. Kinh tế ban đêm đã hiện hữu ở các thành phố, đặc biệt những nơi có nhiều khách du lịch và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của các trung tâm thành phố và thủ đô.
Theo TS. Lê Hải Đường, mặc dù chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của Kinh tế ban đêm vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng từ lâu một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch.
“Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm bởi nền chính trị ổn định; hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch quốc tế; quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng; lực lượng dân số trẻ dồi dào và sự gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu. Tuy vậy, hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn có nhiều hạn chế như: hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu và manh mún ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn;...”, TS. Lê Hải Đường nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, từng vùng miền, từng khu vực. Do đó, kinh tế đêm cần được đầu tư đa dạng và phong phú tạo điều kiện tăng khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình dịch vụ mang tính đặc thù này..
Để phát triển kinh tế ban đêm, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, cần có định hướng và các giải pháp mang tính đồng bộ để phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có chính sách tài chính, chính sách đầu tư nhằm tạo ra những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng lưu ý: Cần nhận thức cần thống nhất Kinh tế ban đêm là bộ phận cấu thành hữu cơ không thể tách rời của nền kinh tế, hoạt động trong cơ chế kinh tế thị trường và môi trường chung của thể chế kinh tế Việt nam; Đầu tư cho quy hoạch, quy hoạch một cách bài bản; Có chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở cho phát triển kinh tế ban đêm; Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế về kinh tế ban đêm nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng đoán định của môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào kinh tế ban đêm có điều kiện phát triển;…
Kinh tế ban đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác
Nghiên cứu về nội dung này, TS. Trần Vũ Hải, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, khung khổ pháp lý liên quan đến kinh tế ban đêm khá rộng, bao gồm từ những vấn đề lớn như quy hoạch tổng thể, định hướng thị trường, quản lý môi trường, cơ sở hạ tầng, đến những chính sách cụ thể liên quan đến khung giờ, an ninh trật tự, đặc thù sản phẩm, dịch vụ.
Những bộ phận pháp luật quan trọng đối với kinh tế ban đêm gồm: Pháp luật về quy hoạch đô thị; Pháp luật về du lịch; Pháp luật điều chỉnh các ngành nghề đặc thù của kinh tế ban đêm; Pháp luật về tài chính công; Pháp luật về lao động; Pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế ban đêm.
Để phát triển kinh tế ban đêm, theo TS. Trần Vũ Hải cần có chính sách, chiến lược rõ ràng; có chủ trương và giải pháp mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ về đêm, từ ăn uống, giải trí, nghệ thuật đến mua sắm. Đồng thời, cần xây dựng khuôn khổ và chính sách khuyến khích các hoạt động về đêm lành mạnh với sự tham gia rộng rãi của mọi lứa tuổi. Nâng cao nhận thức của Chính phủ, cán bộ, người dân về lợi ích và rủi ro của phát triển kinh tế ban đêm thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu.
Ngoài ra, TS. Trần Vũ Hải cũng đề xuất, cần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hạ tầng công cộng cho kinh tế ban đêm, bao gồm hệ thống an sinh xã hội, giao thông… Triển khai mạnh mẽ các giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm, góp phần giảm gánh nặng chi phí cho hoạt động kinh doanh ban đêm. Trong bối cảnh chưa thể sửa đổi tổng thể các văn bản luật có liên quan thì cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm những vấn đề mới để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam./.