TS.HOÀNG QUANG HÀM: PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG PHẢI BẢO ĐẢM TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC CHẶT CHẼ

22/11/2022

Hoạt động đầu tư công thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn đầu tư công vẫn còn một số hạn chế nhất định. Để khắc phục bất cập, TS.Hoàng Quang Hàm, Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đưa ra 08 kiến nghị đổi mới trong phân bổ vốn đầu tư công.

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ PHÂN BỔ, GIÁM SÁT VIỆC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NỀN KINH TẾ

Phân bổ vốn đầu tư công vẫn còn một số hạn chế nhất định

Theo TS.Hoàng Quang Hàm, đầu tư công là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công được tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo….đảm bảo an ninh, quốc phòng và là động lực thúc đẩy phát triển đối với một số ngành và vùng kinh tế trọng điểm. Đầu tư từ Nhà nước không chỉ nhằm thực hiện chính sách công mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đầu tư công không chỉ bao gồm các dự án đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách công, không có khả năng thu hồi vốn, không vì mục tiêu kinh doanh mà còn bao gồm cả các dự án đầu tư vì mục tiêu kinh doanh. Với ý nghĩa quan trọng đó, chính sách phân bổ vốn đầu tư công cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ.

TS.Hoàng Quang Hàm cho biết, giai đoạn 2016 -2021, chính sách phân bổ vốn đầu tư công đạt được những kết quả nhất định, bố trí vốn tập trung hơn, hạn chế được tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư công; góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn một số vấn đề nổi lên cần lưu ý như: Việc phân bổ, giao vốn đầu tư công triển khai chậm, dàn trải, manh mún, thiếu trọng tâm, trọng điểm; Việc thu hồi vốn, ứng trước và thực hiện vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương chưa đạt mục tiêu, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa kịp thời so với thực tiễn, bố trí vốn vẫn dài trải,…

Ngoài ra, trình tự và thủ thủ tục đầu tư công còn nhiều và phức tạp, nhiều cơ quan cùng tham gia dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện. Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, nhất là vốn ODA; chi đầu tư từ ngân sách trung ương chưa giữ vai trò chủ đạo; tiến độ xây dựng một số dự án trọng điểm còn chậm triển khai, phải điều chuyển vốn sang giai đoạn sau;…

TS.Hoàng Quang Hàm, Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên PCN Ủy ban Tài chính, ngân sách 

TS.Hoàng Quang Hàm cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ giải thấp, nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân;….

Để khắc phục những hạn chế hiện nay, TS. Hoàng Quang Hàm đưa ra 08 kiến nghị đổi mới trong phân bổ vốn đầu tư công:

Một là, việc bố trí vốn phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, phù hợp với khả năng tài chính; bảo đảm cân đối vĩ mô, giữ vững an toàn nợ công của quốc gia.

Hai là, trong phân bổ vốn đầu tư công cần xác định vai trò chủ đạo của nền kinh tế, nghĩa là Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư lớn vào những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm được, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào một số các ngành trọng điểm, có tính đột  phá, lan tỏa mạnh,…

Ba là, việc xem xét cơ cấu vốn đầu tư công cho các ngành nghề cần được chú trọng ưu tiên trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế của Nhà nước, phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương và phải có trong các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc phân bổ vốn phải đảm bảo phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực.

Bốn là, tập trung bố trí vốn cho các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa.

Năm là, việc phân bổ phải đảm bảo tập trung, không dàn trải, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn nhà nước, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn đầu tư công cũng là nguyên tắc cần được lưu ý, từ đó làm cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong điều kiện một quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế, cần chú trọng phân bổ vốn tập trung, ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có ảnh hưởng lan tỏa, có dự án có ý nghĩa quan trọng với an sinh xã hội như giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, hệ thống kết cấu hạ tầng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, từ đó mới có sự phát triển đột phá.

Bảy là, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, bảo đảm tương quan hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương và các đối tượng chính sách, các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền trong cả nước. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các dự án vùng, hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn phát triển. Đồng thời, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dài trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập.

Tám là, có cơ chế phân bổ để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, đầu tư kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong từng vùng cần tập trung đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm để nâng cao hiệu quả kinh tế đi đôi với khuyến khích đầu tư ở các vùng có nhiều điều kiện khó khăn, kết hợp với thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội./.

Lê Anh