ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LĨNH VỰC DẦU KHÍ

27/10/2022

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quá trình phê duyệt giai đoạn hoạt động dầu khí nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về lĩnh vực dầu khí.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tham gia phát biểu ý kiến

Tham gia thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, theo quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63 của dự thảo luật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Đồng thời, Điều 66 đã quy định tương đối chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hạn chế tối đa chồng chéo trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quá trình phê duyệt giai đoạn hoạt động dầu khí nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và quản lý vốn nhà nước.

Theo đại biểu, quy định rõ về các nội dung này sẽ hỗ trợ nhà thầu dầu khí trong quá trình thực hiện chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí. Đặc biệt, khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vì thực tế nếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia sẽ phải tuân theo Luật Quản lý vốn nhà nước và Luật Dầu khí. Theo quy định của Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi bán tài sản dầu khí, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí. Đại biểu cho rằng, việc này không khả thi vì không có tổ chức tư vấn Việt Nam nào có thể thực hiện được việc này.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, đối với việc áp dụng quyết định về xử lý chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thực tế xử lý các chi phí mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện thay các nghĩa vụ của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí hoặc các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ phần mềm sản phẩm của nước chủ nhà hoặc các chi phí quản lý mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được hưởng khi thực hiện một phần công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí hiện tại đã có quy định tại khoản 4 Điều 64, trong trường hợp không có quyết định chuyển tiếp đối với các nguyên tắc quy định tại Điều 63 thì không có cơ sở để giải quyết được vấn đề vướng mắc đã và đang phải xử lý liên quan đến việc xử lý các chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, do không thể áp dụng quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi) để xử lý vấn đề đã xảy ra trước thời điểm Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực.

Mặt khác, theo đại biểu quy định này chỉ là cơ sở để giải quyết các vướng mắc đang tồn tại giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Chính phủ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện các công việc quản lý nhà nước về dầu khí đã được phân công không liên quan đến trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là doanh nghiệp với Chính phủ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí đã ký. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, đại biểu đề xuất bổ sung khoản 3 Điều 69, cụ thể như sau: việc xử lý chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 64 được áp dụng đối với các hợp đồng dầu khí được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực.

Đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Tham gia ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, về nội dung từ Điều 44 đến Điều 48, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc quy định rõ giữa chức năng của doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu. Theo quy định của dự thảo thì cho phép Tập đoàn Dầu khí vừa hoạt động kinh doanh và vừa tham gia quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu. Đại biểu đặt vấn đề, quy định như vậy có mang tính khách quan và có phù hợp hay không?

Thêm vào đó,về quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Điều 61, khoản 4 và khoản 5 về quyền của Tập đoàn Dầu khí đối với các chương trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí; tìm kiếm thăm dò dầu khí để điều chỉnh; thăm dò dầu khí bổ sung; phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, v.v.. Đối với 2 nội dung này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc nên giao cho Chính phủ quy định, vì thẩm quyền phê duyệt giao cho Tập đoàn Dầu khí thì theo tôi là chưa phù hợp.

Ở điểm b khoản 2 Điều 65 có quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, có quy định là nghiên cứu xây dựng, ban hành hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật, v.v.. Theo đại biểu, nên bỏ cụm từ "nghiên cứu", vì ở chúng ta quy định là trách nhiệm cho nên ghi là xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức, v.v.,

Ở Điều 65 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, đối với nội dung ở khoản 2, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cũng nên quy định một nội dung riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng cũng như là công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xăng dầu để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, về thẩm quyền trong việc phê duyệt các kế hoạch phát triển chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét cần quy định rõ hơn vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt các kế hoạch, chương trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét cân đối lại các quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để đảm bảo tách bạch rõ hơn giữa vai trò của quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh trong các quy định tại các Điều 44 về lập, thẩm định phê duyệt chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, Điều 48 về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí và Điều 61 về quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hồ Hương