QUỐC HỘI TÍCH CỰC TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI

19/10/2022

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc ngày 20/10, cũng là kỷ niệm 92 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam. Thực hiện các chức năng của mình, Quốc hội đã luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, hoàn thiện chính sách về bình đẳng giới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao vị thế vai trò của phụ nữ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, BẢN LĨNH, ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã luôn quan tâm chú trọng vấn đề bình đẳng giới, góp phần hoàn thiện chính sách về bình đẳng giới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao vị thế vai trò của phụ nữ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.  

Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến và thông qua nhiều dự án Luật có các nội dung đến bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người và trao quyền cho phụ nữ như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…

Quốc hội đã luôn quan tâm chú trọng vấn đề bình đẳng giới

Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực… khiến cho các văn bản luật, pháp lệnh dễ đi vào cuộc sống và đảm bảo bình đẳng giới thực chất thông qua các quy định, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cụ thể. Trong quá trình xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cũng quan tâm xem xét tác động giới, tác động về mặt kinh tế - xã hội của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phân bổ ngân sách.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân, người lao động; đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, tình hình bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng... Qua một số nghiên cứu cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 là nhiều hơn trong một số ngành nghề lĩnh vực có đông lao động nữ tham gia, tác động nhiều hơn tới lao động khu vực phi chính thức, do vậy đang ảnh hưởng nhiều hơn tới phụ nữ.

Nhận diện vấn đề giới sau đại dịch COVID-19, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung, hỗ trợ phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói riêng, như: Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 và 2023 trong đó tập trung: “bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”; Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ: “… Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đấu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.” Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt các chính sách dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội có nhiều hoạt động thiết thực bảo đảm quyền lợi của phụ nữ

Các quy định của Luật, Nghị quyết do Quốc hội ban hành đều bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, tiến bộ, nhân văn, tạo điều kiện tốt hơn về vốn, tài chính giúp cho nữ giới tiếp cận việc làm, tham gia thị trường lao động và hoạt động kinh doanh sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và hỗ trợ phụ nữ phục hồi sau đại dịch.

Về tăng cường giám sát chính sách liên quan đến thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, Quốc hội rất trách nhiệm trong việc thẩm tra Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, đánh giá cụ thể tác động tiêu cực của COVID-19 đến hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục...

Qua tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện, Quốc hội kiến nghị Chính phủ tăng cường chuyển đổi số trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới, có giải pháp cụ thể để hỗ trợ chuyển đổi số đối với phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, kinh doanh, y tế, giáo dục...; ưu tiên đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có phụ nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; giúp các đối tượng này có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh, có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động, khôi phục sản xuất.

Minh Hùng