TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ BUỔI HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: RÀ SOÁT 3 VẤN ĐỀ CHÍNH TRONG CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/10/2022. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022). Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh mới cho đất nước. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng, trong đó có nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Đây cũng là những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Trả lời phỏng vấn trước kỳ họp, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hy vọng Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; đại biểu Quốc hội - đại diện cho Nhân dân đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, giúp Quốc hội có nhiều quyết sách sát với tình hình của đất nước.
Phóng viên: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2022, thông qua 07 dự án Luật, 04 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến 07 dự án luật và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy ông có kỳ vọng như thế nào Kỳ họp tới?
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tôi thấy rằng, qua các kỳ họp, đặc biệt Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa qua tôi thấy rằng tinh thần nói thật, nói thẳng, công khai được thực hiện rất tốt, trong quá trình thảo luận, chất vấn có tranh luận trên tinh thần dân chủ.
Tôi hy vọng Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; kỳ vọng những người đại diện cho Nhân dân đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, giúp Quốc hội có quyết sách sát với tình hình của đất nước. Đặc biệt, cần tận dụng lợi thế, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh đã cơ bản khống chế dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của đất nước đang bước phát triển mạnh mẽ.
Theo dõi Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã bàn thảo nhiều vấn đề trọng đại của đất nước; đồng thời cũng theo dõi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Tôi thấy tinh thần chung toát lên là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội. Quốc hội luôn thể hiện rõ tinh thần dân chủ để thực hiện được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như các nghị quyết của Trung ương được cụ thể hóa, sát với tình hình thực tế của đất nước và hoàn cảnh hiện nay.
Phóng viên: Như ông vừa đề cập, một trong những vấn đề được Hội nghị Trung 6 khóa XIII thảo luận kỹ, đạt được sự thống nhất cao, đó là vấn đề tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo ông hoạt động lập pháp của Quốc hội cần tiếp tục được đề cao và đẩy mạnh như thế nào để cụ thể hóa và làm rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng vào chính sách, pháp luật?
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Theo tôi, Đảng đưa ra đường lối, chủ trương, còn Quốc hội cần đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng trở thành pháp luật. Vì vậy, khâu hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng là cực kỳ quan trọng. Để thể hiện đúng với tinh thần của Trung ương và thể hiện đúng nguyện vọng của Nhân dân không phải dễ dàng, đòi hỏi dân chủ tập trung trong Quốc hội chúng ta ngày càng cao hơn chi phí.
Tôi kỳ vọng, những người đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc, thể hiện tinh thần chí công vô tư khi bàn về những luật, nghị quyết, tránh đan xen lợi ích nhóm hay tình trạng cục bộ địa phương, làm méo mó đường lối của Đảng, làm cho chính sách pháp luật của Nhà nước không thực sự nghiêm minh.
Phóng viên: Với vai trò Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là một cử tri, ông quan tâm đến vấn đề nào và mong muốn Quốc hội sẽ đưa ra bàn thảo để giải quyết những vướng mắc trong thực tế đời sống?
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hiện nay kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 cơ bản được phục hồi và phát triển, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm. Đó là quan tâm hơn nữa đến đời sống của Nhân dân sau đại dịch.
Có thể nói, sau ba năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đai dịch COVID-19, đời sống của nhân dân chúng ta tuy đã được cải thiện nhưng một bộ phận Nhân dân hết sức khó khăn, trong đó có cán bộ, công nhân, viên chức chưa được tăng lương cơ sở do phải dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, tôi cho rằng tại Kỳ họp thứ 4, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân trong tỉnh hiện nay.
Bên cạnh đó, qua theo dõi ttôi thấy tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội đang nổi lên nhiều vấn đề bất ổn, khến Nhân dân bất bình, vì vậy tôi mong muốn tình hình trật tự, an toàn được Quốc hội đưa ra bàn thảo, nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!