Toàn cảnh phiên họp
Dự kiến Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 21 ngày làm việc (khai mạc 20/10 và bế mạc 15/11)
Trình bày báo cáo việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022), thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, gửi văn bản về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 đến các cơ quan hữu quan. Qua tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.
Về dự kiến chương trình chi tiết, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế, chương trình công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp. Trong đó đề nghị bố trí phiên chất vấn vào 03 ngày từ ngày 3 đến 5/11/2022 để hoạt động chất vấn diễn ra liền mạch, không bị ngắt quãng; đề nghị vẫn giữ bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về các dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do 03 nội dung này đã được truyền hình trực tiếp tại Kỳ họp thứ 3.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, bế mạc vào thứ Ba, ngày 15/11/2022.
Để bảo đảm chất lượng nội dung kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục yêu cầu cơ quan soạn thảo chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan giải trình bước đầu, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp tổ; đồng thời, dự kiến nội dung tiếp thu để gửi đến đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối và phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Đến nay, công tác phục vụ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh,… đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, gợi ý nội dung thảo luận Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về dự kiến tổng thể nội dung chương trình kỳ họp, việc phân bổ thời gian, bố trí các nội dung xem xét tại kỳ họp.
Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo và dự kiến nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện Chính phủ báo cáo làm rõ về tiến độ chuẩn bị một số nội dung tại họp.
Không được chủ quan trong công tác phục vụ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho kỳ họp
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của, Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4 cơ bản đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các quan hữu quan. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc sắp xếp chương trình kỳ họp hợp lý. Trong đó, việc sắp xếp thời điểm thảo luận tổ, thảo luận hội trường và biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết hợp lý hơn, bảo đảm có đủ thời gian cho các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu giải trình, hoàn chỉnh các dự án, dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý đối với dự án Luật Đất đai. Dự án luật này được bố trí cả thời gian để thảo luận tổ và hội trường song do đây là dự án luật lớn và phức tạp, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và dự kiến sẽ có nhiều ý kiến phong phú, nhiều vấn đề. Do đó công tác tiếp thu tổng hợp ý kiến đại biểu cần phải được làm kỹ lưỡng và cần được bố trí khoảng cách giữa các ngày thảo luận để có thêm thời gian để các cơ quan tổng hợp, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, báo cáo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ tán thành, đồng tình cao về tổng thời gian làm việc tại kỳ họp lần này, dự kiến khoảng 21 ngày làm việc, đã rút ngắn thời gian so với dự kiến ban đầu song vẫn bảo đảm được chất lượng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý việc chuẩn bị tài liệu kỳ họp, nhất là báo cáo của Chính phủ, của các bộ, ngành và đề nghị Chính phủ hỏa tốc nhắc nhở các bộ, ngành có liên quan để đảm bảo thời gian, tiến độ nhưng phải chất lượng của báo cáo. Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho kỳ họp, chủ động phòng, chống dịch, chuẩn bị chu đáo công tác phục vụ kỳ họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc tăng cường giao tiếp giữa Quốc hội với Nhân dân, cử tri và địa phương các khóa trước đã triển khai nay cần tăng cường hơn nữa. Do đó, thời lượng cho Thường trực Hội đồng nhân dân đại diện dự một số phiên thảo luận quan trọng tại kỳ họp để nắm tình hình chung, đồng thời rút kinh nghiệm trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp cũng rất cần thiết. Về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết trên cơ sở dự kiến chương trình kỳ họp, Ban Công tác đại biểu đã dự kiến các phiên mời đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh dự khán. Theo đó, dự kiến mời một số tỉnh dự thảo luận về kinh tế - xã hội và mời đại diện của tất cả 63 tỉnh dự phiên thảo luận Luật Đất đai.
Lấy chất lượng của kỳ họp làm chính đồng thời tiết giảm tối đa thời gian
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận các ý kiến phát biểu đều đánh giá rất là cao công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội,Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình và cách thức tổ chức Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 4 là kỳ họp thường kỳ cuối năm và theo thông lệ các kỳ họp cuối năm thường có khối lượng công việc lớn nhất là về công tác lập pháp. Kỳ họp thứ 4 diễn ra ngay sau thắng lợi tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Phát biểu bế mạc hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lan tỏa tinh thần tốt đẹp của Hội nghị và Quốc hội phải có những quyết sách đúng đắn nhất về cả lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cho những tháng còn lại của năm 2022 và cho năm 2023.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về nội dung và một số các vấn đề khác, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý chương trình kỳ họp để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị. Theo đó, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào chiều ngày 15/11, với tổng số thời gian thực họp dự kiến là 21 ngày với hình thức họp tập trung cả kỳ. Chủ tịch Quốc hội cho biết dù khối lượng công việc tại kỳ họp lớn song thời gian họp đã được tiết giảm tối đa theo tinh thần “lấy chất lượng của kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết kiệm tối đa thời gian”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung thảo luận
Về bố trí thời gian, nội dung chương trình cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung như về thời gian dành cho thảo luận về kinh tế - xã hội khoảng 1,5 ngày, trong đó có bổ sung thảo luận về đánh giá tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố Chí Minh; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật sẽ được thảo luận chung với công tác của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Cố gắng bố trí kéo dài khoảng cách giữa hai buổi thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có thêm thời gian cho các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình; bố trí là 2,5 ngày làm việc cho chất vấn và trả lời chất vấn, công tác nhân sự sẽ ưu tiên dành thời gian vào đầu kỳ họp.
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), căn cứ vào diễn biến và kết quả góp ý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình với Quốc hội quyết định thông qua ngay tại kỳ họp này hay để sang kỳ họp sau. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng nên không chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập. Tinh thần là phấn đấu, nỗ lực cao nhất, không phân biệt Chính phủ hay Quốc hội mà các cơ quan cùng vào làm đảm bảo được mục tiêu đã đề ra từ đầu là đến ngày 01/01/2024 luật này sẽ có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về chuẩn bị tài liệu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm về tình hình xung đột địa chính trị, các tác động đến nước ta để cung cấp các thông tin toàn diện, đầy đủ và chính thống cho đại biểu Quốc hội. Về công tác bảo đảm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tuyệt đối không được chủ quan, bảo đảm hết sức chu đáo cả về công tác phòng chống dịch, an ninh trật tự, an toàn xã hội trong kỳ họp, bảo đảm điều kiện ăn nghỉ đi lại của đại biểu chỉn chu nhất có thể. Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác thư ký, tổng hợp và phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm xây dựng Đề án và tổ chức triển khai thực hiện công tác về truyền thông về kỳ họp gắn với việc truyền thông về kết quả Hội nghị Trung ương 6, các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, kịp thời nắm bắt thông tin dư luận xã hội, kịp thời đấu tranh với các thông tin xấu độc, những luận điệu xuyên tạc, chống phá.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo tại phiên họp