BẢO ĐẢM CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI CAI NGHIỆN THEO CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

10/10/2022

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy đối với việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy. Vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định rõ mức chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy.

TIẾP TỤC QUÁN TRIỆT, THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, UBTVQH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TÚY

Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 11

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021 đã góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy AIPACODD 5 với chủ đề "Cùng nhau giải quyết thách thức vì một ASEAN không ma túy”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy đối với việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này nói chung và Luật Phòng, chống ma túy nói riêng, cụ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; các quy định pháp luật khác có liên quan đến cai nghiện ma túy,…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm

Bên cạnh đó, trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành: Công văn số 332/LĐTBXH-PCTNXH ngày 16/02/2022 về việc triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Công văn số 1827/LĐTBXH-PCTNXH ngày 02/6/2022 về việc triển khai thực hiện Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phù về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Quyết định số 470/QĐ-LĐTBXH ngày 03/6/2022 về việc công bố các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội… Đồng thời, các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đặc thù tệ nạn ma túy của địa phương mình.

Để triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cùng các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 62/2022/TT-BTC quy định rõ mức chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (người cai nghiện bắt buộc) trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Theo đó, chi tiền ăn, tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người cai nghiện bắt buộc và băng vệ sinh (đối với người cai nghiện bắt buộc là nữ): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Chi phí cai nghiện ma túy gồm: Khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ và theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để quyết định chế độ cai nghiện ma túy: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Tiền thuốc cắt cơn (trừ trường hợp đã được điều trị cắt cơn tại tổ chức xã hội, cơ sở xã hội, cơ sở đa chức năng), giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh cơ hội khác (nếu có) theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Ảnh minh họa

Chi khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/lần theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Chi thuốc chữa bệnh thông thường, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch bệnh cho người cai nghiện bắt buộc bị ốm được điều trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc: Mức chi theo chi phí thực tế và hóa đơn chứng từ hợp pháp. Cơ sở lập dự toán phù hợp với tình hình thực tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP gồm: Chi tiền công đối với những người tham gia giảng dạy văn hóa (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy). Chi hỗ trợ học phẩm: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh trung học cơ sở tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT  hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc. Chi tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm, thuê trang thiết bị dạy học và các khoản chi cần thiết khác (nếu có) phục vụ trực tiếp công tác dạy và học văn hóa cho đối tượng: Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Người cai nghiện bắt buộc chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học. Căn cứ trình độ và năng lực của đối tượng; điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở và tình hình thực tế, thủ trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định hình thức học nghề cho phù hợp. Mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng đối tượng, từng nghề, thời gian học thực tế và hình thức học nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; không hỗ trợ tiền học nghề cho đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ lần thứ hai trở đi đã được học nghề.

Ngoài ra, chi tiền điện, nước sinh hoạt: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng. Chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/năm.

Minh Hùng

Các bài viết khác