THỦ ĐÔ HÀ NỘI: PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, VỮNG BƯỚC TƯƠNG LAI

10/10/2022

Hôm nay, 10/10/2022 là ngày kỷ niệm 68 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, một mốc son chói đỏ trong ký ức, lịch sử của thủ đô nghìn năm văn hiến. Gần bảy thập kỷ đã trôi qua, thủ đô Hà Nội linh thiêng và hào hoa đã bước qua chặng dài thăng trầm, đổi mới, vẫn luôn là niềm tự hào của nhân dân. Trên những giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn mới hướng đến tương lai, Quốc hội luôn quan tâm xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

 

Tự hào “Thủ đô ta” qua thăng trầm lịch sử

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ đô Hà Nội nhiều lần được Bác Hồ nhắc đến bằng cách gọi “Thủ đô ta”. Cách gọi này chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô.

Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày. Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội..., Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và Nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị TƯ Đảng đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển Thủ đô với mục đích: “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Tuy lúc đó còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, lạc hậu, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Nhiều năm qua, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định là kim chỉ nam, ngọn đèn soi sáng trong quá trình đổi mới và phát triển. Nhân dân Hà Nội qua các thế hệ đã vững bước qua cuộc chiến tranh, trải qua những thăm trầm thời đại, từng bước đổi mới, hội nhập, phát triển, trở thành một Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như tâm nguyện của Bác. Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, Hà Nội đã xác lập vị trí vững chắc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên tục được các tổ chức du lịch, các trang thông tin du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến ấn tượng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Hà Nội phải gương mẫu đi đầu, làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

Nhìn về tương lai, Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để phát triển lớn mạnh, hiện đại và văn minh hơn nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người con của Hà Nội anh hùng đã khẳng định: Hà Nội là Thủ đô văn hiến và anh hùng, linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng, thành phố vì hòa bình, thanh lịch, văn minh, hiện đại. Hà Nội cần đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa, những nét riêng có của mình, đẩy mạnh phát triển du lịch, làm tốt công tác quản lý đô thị, giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước.

Về vị thế, trách nhiệm của thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội phải gương mẫu đi đầu, làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống, khắc phục cho được những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, trước hết từng cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao để Hà Nội luôn xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, những thành quả các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã giành được là rất đáng tự hào, trân trọng

Là người từng trực tiếp lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, là trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là kinh đô ngàn năm văn hiến với những yếu tố văn hóa đậm nét. Qua chặng đường phấn đấu gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang, những thành quả các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã giành được là rất đáng tự hào, trân trọng. Trong những năm tới, Thủ đô ta có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt; song bên cạnh đó có không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, vị thế, tầm vóc mới của Thủ đô thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát huy truyền thống, vững bước tương lai

Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, vị trí, vai trò là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên một bước; kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật. Sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả; năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng.

Cần xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục những hạn chế này, ngày 05/5/2022 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết hướng đến tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Để đạt được mục tiêu cao đep này, Hà Nội cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Để tiếp bước phát triển thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, trong chiến lược xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, nhiệm vụ sửa đổi Luật Thủ đô đã được đặt ra và luôn được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội quan tâm. Qua 9 năm thi hành cho thấy, Luật Thủ đô, các văn bản quy định chi tiết đã góp phần giúp Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng Luật Thủ đô hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định khó đi vào cuộc sống. Một số cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô thì các luật chuyên ngành được ban hành sau đã “vượt” lên, “phủ” lên quy định của Luật Thủ đô.

Cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi của Luật Thủ đô có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với Luật hiện hành, bảo đảm tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình phát triển của đất nước. Đồng thời cũng phải tạo được động lực cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Theo đó, ngoài các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, văn hóa, xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức… cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá mạnh mẽ hơn nữa cho Thủ đô, từ đó giúp Hà Nội huy động và phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn, trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, động lực phát triển của vùng, của đất nước; nghiên cứu có các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn có tính đặc thù và phương thức hoạt động, cơ chế vận hành, quản trị Thành phố theo hướng “Xanh - Thông minh - hiện đại”, xây dựng chính quyền số, chính quyền đô thị hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương…

Để hoàn thiện Dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật được giao theo dõi, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật thủ đô để tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra đề nghị xây dựng dự án luật để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội. Thời hạn trình Quốc hội sẽ theo thời hạn xác định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm nội dung sửa đổi, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các yêu cầu tại nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Minh Hùng

Các bài viết khác