THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TRẦN HỒNG HÀ: CẦN XEM XÉT YẾU TỐ TRƯỢT GIÁ TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

07/10/2022

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Hồng Hà cho rằng, trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần xem xét yếu tố trượt giá và đánh giá tác động về quy định này để có cơ sở hợp lý.

DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Hồng Hà.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thay mặt Tòa án Nhân dân Tối cao, Thẩm phán Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Tòa án nhân dân tối cao đã trực tiếp tham gia góp ý kiên đối với dự thảo Luật này tại các cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ Biên tập. Hầu hết các ý kiến góp ý của Tòa án nhân dân tối cao đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Về cơ bản, Tòa án nhân dân tối cao nhất trí với dự thảo Luật hiện nay. Bên cạnh đó, để góp phần hoàn thiện hồ sơ thẩm định dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao có một số ý kiến góp ý như sau:

Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 4): Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thay cụm từ “Trong quá trình tiêu dùng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, được bảo đảm bình đẳng giới, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội” tại khoản 6 Điều 4 thành: “Trong mối quan hệ với nhà phân phối, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, mọi người tiêu dùng đều bình đẳng trước pháp luật, được bảo đảm bình đẳng giới, không phân biệt dân tộc, tỉn ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội”.

Về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7): Dự án Luật quy định một số đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em…; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm đối tượng thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Về nguyên tắc thực hiện hòa giải (Điều 62): Trong nguyên tắc hòa giải thì tiêu chí đầu tiên là các bên tham gia hòa giải phải hoàn toàn tự nguyện. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật bổ sung tiêu chí tự nguyện trong nguyên tắc hòa giải.

Về kết quả hòa giải (Điều 65): Thẩm phán Trần Hồng Hà cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi cụm từ: “Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự” tại khoản 1 Điều 65 của dự thảo Luật thành: “Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sửa cụm từ “biên bản” tại khoản 2, khoản 3 Điều 65 của dự thảo Luật thành cụm từ: “văn bản” để thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 418 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 70): Điều 70 dự thảo Luật quy định là vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này.

Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện: Người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng”. Đối với Điều 70, cần xem xét các vấn đề sau:

Thứ nhất, về việc xác định thế nào là “người tiêu dùng” làm căn cứ xác định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khoản 1 Điều 70. Việc xác định này liên quan đến việc nộp tạm ứng án phí, nộp lệ phí Tòa án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 71 của dự thảo Luật thì: “Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án”. Vì vậy, Tòa án phải xác định thế nào là người tiêu dùng để làm căn cứ miễn tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí.

Tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Tuy nhiên, để xác định thế nào là “người tiêu dùng” khi Tòa án xem xét đơn khởi kiện thì cần phải hướng dẫn cụ thể. Do đó, đề nghị bổ sung Tòa án nhân dân tối cao là chủ thế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại Điều 80 của dự án Luật.

Thứ hai, về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, điểm b khoản 2 Điều 70 dự thảo Luật đưa ra điều kiện “Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng”. Điều kiện này tương đương với Vụ án có tình tiết đơn giản, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ” tại điểm a khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Vì vậy, Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 70 dự thảo Luật để phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tránh trường hợp phải có văn bản hướng dẫn mới thi hành được.

Ngoài ra, điểm c đưa ra giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng. Đây là quy định kế thừa Luật hiện hành, với ý nghĩa là áp dụng thủ tục rút gọn cho tranh chấp giá trị nhỏ mà một số quốc gia đã áp dụng như Nhật Bản, Singapore ... Tuy nhiên, mức giá trị tranh chấp cần xem xét lại vì giá trị 100 triệu đồng theo Luật hiện hành được xây dựng năm 2010. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 12 năm, cần xem xét yếu tố trượt giá và đánh giá tác động về quy định này để có cơ sở hợp lý.

Về bổ sung khoản 1 Điều 317 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự (Điều 78): Điều 78 của dự thảo Luật quy định về việc bổ sung khoản 5 Điều 317 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự như sau: Các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Thẩm phán Trần Hồng Hà, Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, cần cân nhắc lại quy định trên vì khoản 2 Điều 70 dự thảo Luật đã quy định về các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, khi Luật này được ban hành, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tòa án sẽ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này (áp dụng Luật được ban hành sau Bộ luật Tố tụng dân sự). Do đó, quy định tại Điều 78 dự thảo Luật là không cần thiết, vừa thừa, vừa gây chồng chéo trong quy định giữa các Luật./.

Bích Lan