TS.VŨ NHỮ THĂNG: SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, XỬ LÝ NGHIÊM CÁC SAI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG THẨM ĐỊNH GIÁ

03/10/2022

Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (10/2022). Quan tâm đến dự luật, TS.Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc bổ sung và hoàn thiện dự thảo Luật Giá cần quan tâm tới các quy định nhằm cải thiện chất lượng cũng như xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá.

Sửa đổi Luật Giá: Đảm bảo quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả, vận hành thông suốt nền kinh tế

Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022) tới đây

Theo TS.Vũ Nhữ Thăng, Luật giá số 11/2012/QH13 sau gần 10 năm đi vào thực tiễn cuộc sống đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân sự kinh tế, đồng thời là công cụ quản lý và điều hành giá, trong đó có thẩm định giá theo nguyên tắc thị trường phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Khung pháp lý quản lý Nhà nước về giá và thẩm định giá đã được quy định cụ thể, hệ thống văn bản hướng dẫn bao gồm các Nghị định, Thông tư, cùng Đề án và các Tiêu chuẩn thẩm định giá đã được ban hành đầy đủ là nền tảng thuận lợi cho phát triển của lĩnh vực thẩm định giá thời gian qua. Nhờ đó, số doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên hành nghề đã nhanh chóng được mở rộng, đáp ứng đa dạng nhu cầu thẩm định giá trị tài sản với nhiều mục đích khác nhau, từ thoái vốn, cổ phần hoá, tín dụng cho tới xử lý nợ xấu,… Tuy vậy, sự phát triển “nóng” của lĩnh vực thẩm định giá, bên cạnh khoảng trống của chính sách pháp luật cũng tới từ sự tiếp tay của các doanh nghiệp thẩm định giá, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định Luật Giá để có thể ngăn chặn các vi phạm tương tự trong tương lai.

Thẩm định giá – ngành dịch vụ đặc thù

TS.Vũ Nhữ Thăng cho biết, thẩm định giá là một ngành dịch vụ đặc thù và luật pháp của các nước trên thế giới cũng có những định nghĩa cụ thể về hoạt động này phù hợp với đặc điểm của quốc gia sở tại. Tại Trung Quốc, Luật Thẩm định tài sản định nghĩa định giá tài sản là “hoạt động đánh giá và ước tính giá trị bất động sản, động sản, tài sản vô hình, giá trị doanh nghiệp, tổn thất tài sản hoặc các quyền và lợi ích kinh tế khác thực hiện bởi các tổ chức thẩm định và các chuyên gia thẩm định trên cơ sở ủy quyền, thông qua phát hành Báo cáo đánh giá”. Định nghĩa trên đã đề cập khá đầy đủ các khía cạnh của hoạt động thẩm định tài sản về đối tượng đánh giá là các tài sản hữu hình như bất động sản, động sản, hay tài sản vô hình, giá trị doanh nghiệp, các quyền và lợi ích kinh tế khác, được ủy quyền thực hiện bởi chuyên gia thẩm định thể hiện ý kiến thông qua báo cáo đánh giá.

Hàn Quốc có định nghĩa ngắn gọn hơn về thẩm định trong Đạo Luật về Thẩm định giá và các thẩm định viên hành nghề khi giải thích thẩm định có nghĩa là định giá đất và các loại tài sản khác với kết quả được thể hiện thông qua các con số. Định nghĩa trên của Hàn Quốc chỉ đề cập tới định giá đất đai và gộp các loại hình tài sản khác vào cụm từ “các loại tài sản khác” với kết quả thể hiện thông qua các con số. Mặc dù không liệt kê chi tiết các loại tài sản nhưng định nghĩa này ngắn gọn hơn so với định nghĩa của Trung Quốc.

Với Singapore, Đạo Luật về thẩm định viên số 1906 tuy không trực tiếp định nghĩa cụ thể hoạt động thẩm định giá như Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng gián tiếp thông qua định nghĩa về thẩm định viên. Theo đó thẩm định viên là “những người định giá hoặc thẩm định bất kỳ động sản hoặc bất động sản, đất đai, quyền sở hữu hoặc tài sản thừa kế, hoặc bất kỳ lợi ích nào trong việc sở hữu hoặc chuyển nhượng; phần còn lại hoặc dự phòng đối với bất kỳ động sản hoặc bất động sản nào, thực hiện dưới sự kỳ vọng được thuê và thu được lợi nhuận, phí, phần thưởng hoặc các hình thức giá trị được trả khác thì được coi là thực hiện công việc của một thẩm định viên, và được coi là một thẩm định viên theo nghĩa của Đạo luật này”. Như vậy, thông qua định nghĩa và công việc của thẩm định viên, có thể thấy hoạt động thẩm định giá được nêu cụ thể hơn so với định nghĩa của Hàn Quốc, hướng tới xác định giá các tài sản là bất động sản, đất đai, quyền sở hữu, tài sản thừa kế,…được thực hiện thông qua việc thuê thực hiện và thanh toán chi phí cho thẩm định viên.

Ở nước ta, khái niệm Thẩm định giá được định nghĩa lần đầu tại Điều 4, Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, sau đó được quy định tại khoản 15, Điều 4, Luật Giá số 11/2012/QH13 như sau “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.” Dự thảo lần thứ 4 Luật Giá sửa đổi (Dự thảo) ngày 30/08/2022 đã giải thích tại Điều 4: “thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị bằng tiền của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.”

Như vậy, có thể thấy định nghĩa của Việt Nam sau nhiều lần được sửa đổi đã bao quát và chi tiết hơn về các khía cạnh của hoạt động thẩm định giá. Thẩm định giá được xác định là hoạt động tư vấn xác định giá trị bằng tiền của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam. Về các loại hình tài sản thẩm định, Dự thảo Luật giá đã đề cập tại khoản 3, Điều 43 của Dự thảo, theo đó, “Tài sản thẩm định giá là tài sản quy định tại Bộ luật dân sự, được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá theo nhu cầu hoặc các trường hợp pháp luật quy định phải thẩm định giá”

Tuy có khác biệt nhưng nhìn chung, luật pháp các nước đều khái quát những điểm cơ bản nhất trong định nghĩa về thẩm định giá, đó là hoạt động xác định giá trị tài sản (động sản, bất động sản, doanh nghiệp, các quyền sở hữu, quyền tài sản,…) bằng hình thái tiền tệ, được thực hiện bởi các các thẩm định viên hành nghề. Mặc dù vậy, khái niệm của Việt Nam có tính bao quát hơn, khi nhắc tới thẩm định giá, không chỉ đơn thuần là một quá trình tính toán thông thường và phụ thuộc vào quan điểm của thẩm định viên mà để xác định chính xác giá trị tài sản, thẩm định viên phải có cái nhìn bao quát về thực tế, dự đoán tương lai và cân nhắc tất cả các thông tin trong một hoàn cảnh cụ thể theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Nhờ vậy, quan điểm của thẩm định viên về giá trị của tài sản thẩm định sẽ được hình thành một cách độc lập, khách quan và trung thực khi phản ánh vào chứng thư và báo cáo thẩm định giá.

 TS.Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia 

Ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá

TS. Vũ Nhữ Thăng cũng cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, các văn bản hướng dẫn và các văn bản liên quan đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thẩm định giá, làm nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực thẩm định giá trong bối cảnh nền kinh tế trong nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, nhiều bất cập liên quan đến thẩm định giá, xuất phát từ việc doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thông đồng, cố tình thu thập thông tin sai lệch, đưa thông tin đầu vào không chính xác, từ đó dẫn tới kết quả thẩm định giá kém tin cậy. Vì vậy, để cải thiện chất lượng dịch vụ thẩm định giá, TS. Vũ Nhữ Thăng đưa ra 04 kiến nghị đối với Ban soạn thảo nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Giá:

Một là, mở rộng thiết chế, sửa đổi bổ sung cơ chế đánh giá tín nhiệm đối với thẩm định viên, công ty thẩm định giá và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu chí đánh giá, phương pháp và kết quả đánh giá hàng năm.

Hai là, quy định thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá về thiết lập và cải tiến hệ thống giám sát chất lượng, đảm bảo tính khách quan, trung thực và hợp lý của báo cáo định giá. Đối với các hoạt động thẩm định giá Nhà nước phải thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý nội bộ, giám sát sự tuân thủ luật pháp của các thành viên Hội đồng định giá, quy định các tiêu chí đánh giá và chịu trách nhiệm về hành vi của mình để có cơ chế phòng ngừa các rủi ro về đạo đức của thẩm định viên và thành viên Hội đồng thẩm định.

Ba là, cân nhắc bổ sung thêm quy định về các hình phạt bổ sung đối với đối với các hành vi vi phạm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, và các chuyên viên thẩm định giá của nhà nước. Hiện chế tài xử lý đối với những hành vi sai phạm trong thẩm định giá được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn bị đánh giá là còn nhẹ, thiếu tính răn đe. Do đó, cần quy định thêm các hình thức xử phạt bổ sung bên cạnh hình phạt chính, như tịch thu các khoản thu nhập do phạm tội mà có, hoặc phạt tiền bằng nhiều lần mức thu nhập do phạm tội mà có và đình chỉ hành nghề với thẩm định viên, đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá. Đặc biệt là với các hành vi ký, phát hành báo cáo cố ý làm sai lệch kết quả hoặc báo cáo có sai sót nghiêm trọng; sử dụng hoặc chỉ định những thẩm định viên không đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ thẩm định giá,...

Bốn là, bổ sung các thiết chế, thể chế cung cấp thông tin về thị trường và nghĩa vụ bù đắp nhằm tránh rủi ro đưa ra ý kiến sai lệch về kết quả của các doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình thực hiện hợp đồng khi nhận thấy không đảm bảo được chất lượng cung cấp dịch vụ, bao gồm cả việc kết hợp sử dụng các chuyên gia chuyên ngành để làm việc.

Ngoài ra, TS.Vũ Nhữ Thăng còn đề xuất, về đăng ký hành nghề thẩm định giá, nên sửa quy định tại khoản 3, Điều 47 trong dự thảo Luật giá thành “…Người có thẻ thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại một đơn vị trong một khoảng thời gian nhất định…” để tránh mâu thuẫn do việc “đăng ký hành nghề đồng thời tại hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên” nêu tại dự thảo là không khả thi do tại khoản 4 đã quy định “Bộ tài chính tiếp nhận đăng ký hành nghề thẩm định giá, rà soát, ban hành thông báo danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp”. Các quy định tại Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng tương đồng với quy định này khi yêu cầu thẩm định viên chỉ được hành nghề tại một công ty, đơn vị kinh doanh duy nhất trong một khoảng thời gian./.

Lê Anh

Các bài viết khác