ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cần trên sự lắng nghe kiến nghị của cử tri, giáo viên và học sinh
Trong các kỳ họp gần đây của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết: Cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ sách giáo khoa còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực, có nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh. Trong đó, có thực trạng sách giáo khoa không sử dụng lại được gây khó khăn cho nhiều gia đình nghèo. Vì thế, các đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị cần giám sát tối cao đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nêu rõ thành tựu, hạn chế, yếu kém, để kiến nghị sửa đổi phù hợp, kịp thời.
Trước những đề xuất, kiến nghị của cử tri và các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được phân công là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 29/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề trên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 được xây dựng dựa trên việc quán triệt sâu sắc các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hướng dẫn hoạt động giám sát và đặc biệt là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, xây là căn bản lâu dài, chống là quyết liệt, triệt để. Hoạt động giám sát phải xác định “đúng và trúng” nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; đánh giá công bằng, khách quan; chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị, đề nghị sửa đổi chính sách pháp luật, đồng thời phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng; thúc đẩy khâu tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
Với tinh thần đó, Đoàn giám sát hướng tới 2 mục đích lớn: Đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022, bao gồm: Công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; làm rõ kết quả, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa trong giai đoạn tiếp theo. Các hoạt động của Đoàn phải đáp ứng 2 yêu cầu: Bám sát đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan; Chủ động tổ chức hoạt động giám sát theo đúng các quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ đã đề ra.
TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Đóng góp ý kiến vào việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu quan điểm: Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề trên thì Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan hữu quan xây dựng bộ tiêu chí đo lường, giám sát, đánh giá. Việc giám sát nên bắt đầu từ việc cụ thể hóa việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên các bình diện: mục tiêu, kế hoạch, nội dung triển khai, nguồn lực thực hiện (con người và tài chính), kết quả đạt được và những tác động đến việc thực hiện chương trình giáo dục cũng như tác động xã hội khác.
Việc cụ thể hóa việc giám sát và đánh giá rất cần xây dựng các tiêu chí và các chỉ số để thu thập được bằng chứng khách quan mới có thể đưa ra những khuyến cáo giúp cho ngành giáo dục thực hiện hiệu quả Nghị quyết hơn và có thể có những điều chỉnh chính sách cần thiết. Bên cạnh đó, dư luận phản ánh nhiều đến việc buông lỏng chất lượng biên soạn sách giáo khoa thì đoàn giám sát nên chú ý hơn đến việc xem xét việc hoàn thiện và thực hiện luật pháp liên quan như quy trình biên soạn sách giáo khoa, thẩm định cho đến khi xuất bản có phù hợp với quy trình biên soạn sách giáo khoa chung theo kinh nghiệm của thế giới không. Ví dụ như Đoàn giám sát có thể xem xét nội dung biên soạn sách giáo khoa gồm những gì, trong quá trình biên soạn, tiêu chuẩn năng lực của người biên soạn, nhà xuất bản có lắng nghe ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh hay không và qua kênh thông tin nào có thể có được sự đóng góp của các bên liên quan. Như vậy, nhà xuất bản phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, thực hiện biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Nói cách khác, Đoàn giám sát cần trả lời câu hỏi dư luận quan tâm việc có hay không việc buông lỏng kiểm soát chất lượng sách giáo khoa và với những quy định luật pháp mà thuộc thẩm quyền Bộ trưởng ban hành đã đầy đủ, kịp thời và có hiệu lực trên thực tế hay chưa? Những khuyến cáo nào cần được đưa ra cho những cấp nào?
Để công tác giám thự minh bạch, khách quan, Đoàn công tác phải thu thập được các bằng chứng thông qua các chỉ số, bộ tiêu chí về tác giả biên soạn, công tác đấu thầu, chọn sách… Ngoài ra, việc lựa chọn cán bộ, chuyên gia giám sát phải là người làm việc độc lập, không thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo nhưng lại phải có sự am hiểu về phân tích chính sách giáo dục, có kinh nghiệm trong giám sát và đánh giá dự án trong giáo dục. Nếu không rất dễ dẫn đến cảnh "cưỡi ngựa xem hoa" nặng về nghe báo cáo "thành tích" nhưng những vấn đề cử tri quan tâm lại chưa xử lý được. Thông qua công tác giám sát, ngành giáo dục có thể biết được những hạn chế, lỗ hổng trong công tác biên soạn để hoàn thiện được những bộ sách giáo khoa đạt chất lượng tốt nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Đưa ra quan điểm về những nội dung, việc làm cần tập trung giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm đến hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề này. Bởi vì một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn với nhau là chỗ dựa vững chắc để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được suôn sẻ, hiệu quả. Việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là của đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp triển khai những điểm mới của chương trình, sách giáo khoa và của các em học sinh, những người trực tiếp học theo chương trình, sách giáo khoa mới cũng là việc làm quan trọng cần được thực hiện nghiêm túc, có hệ thống.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một chuyên đề khá “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân do lĩnh vực giáo dục ảnh hưởng tới hầu hết các gia đình trong cả nước. Chính vì vậy, sẽ có nhiều ý kiến đánh giá, nhiều đề xuất khác nhau. Theo tinh thần thể hiện trong phát biểu quán triệt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng. Vì vậy, nên lắng nghe các ý kiến bằng “một cái đầu lạnh”, khách quan, không để bị ảnh hưởng bởi các định kiến và những ý kiến mang tính cảm tính. Chỉ khi giám sát bằng tinh thần xây dựng, chỉ ra những cái còn bất cập cũng với tinh thần xây dựng thì chúng ta mới có thể đề xuất được những giải pháp khả thi và hiệu quả./.