SỚM XEM XÉT THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG TẠI KỲ HỌP THỨ 4

02/10/2022

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, nhiều cử tri quan tâm là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang làm việc trong khối tư nhân. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Các chuyên gia cho rằng, đây cũng là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh thực hiện cải cách công vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hải Phòng

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, cử tri và nhân dân đã đề đạt nhiều ý kiến, đưa ra nhiều vấn đề từ thực tiễn đời sống để mong có được hồi đáp thỏa đáng tại Nghị trường Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là tình trạng cán bộ, bác sĩ ngành y bỏ việc, chuyển sang làm tại các cơ sở y tế tư nhân; tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên; về cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức;…

Trao đổi về các vấn đề này với cử tri Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay có tình trạng lao động di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại, một bộ phận rời khỏi thị trường và một bộ phận khác gia nhập thị trường lao động. Nhưng khi lực lượng công chức, viên chức, đặc biệt là bác sĩ, giáo viên di chuyển ra khu vực tư đông thì cần phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã có chủ trương nâng mức phụ cấp cho cán bộ y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri Hải Phòng

Về chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tác động của dịch bệnh nên lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại; mức lương cơ sở cũng không tăng. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì có thể xem xét tăng lương cơ sở, trên cơ sở đánh giá bối cảnh kinh tế có khởi sắc. Về vấn đề thiếu giáo viên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan chức năng đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc chuyển dịch lao động không phải là điều lạ, và tỷ lệ chuyển dịch hiện nay cũng không phải lớn. Trước tình hình này, Nhà nước cần phải quan tâm nghiên cứu để sớm đổi mới thể chế, chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, sớm cải cách tiền lương theo vị trí việc làm; xây dựng môi trường làm việc, tạo động lực cho công chức, viên chức làm việc… để  bảo đảm tính cạnh tranh, tính hấp dẫn so với khu vực tư, nhằm thu hút, trọng dụng người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, vấn đề công chức, viên chức thôi việc hiện nay không phải là thách thức mà là cơ hội để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách công vụ, trong đó, sớm thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, tiến hành cải cách chế độ tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và có tính cạnh tranh với khu vực tư.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, các cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tập trung vào thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thực hiện tinh giản biên chế; đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực sự nghiệp công. Việc này nên thực hiện theo hướng dù kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, hoặc từ nguồn thu sự nghiệp, thì các đơn vị sự nghiệp đều được giao quyền tự chủ với mục tiêu là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, Chính phủ cần có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là khi báo cáo của Bộ Y tế với Tổng Liên đoàn Lao động nêu rõ số lượng 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022). Trong bối cảnh dịch COVID-19 năm 2020-2021 phát sinh nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, liên quan đến việc làm, đời sống.

Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương đề nghị các đơn vị báo cáo lại số liệu trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng 2022. Thời điểm này, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả là trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Tỉ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ngoài y tế còn có giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập, có thể phân thành các nguyên nhân có khách quan, chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có thị trường lao động, phát triển thị trường lành mạnh, khu vực công sang khu vực tư, xuất khẩu lao động đều là liên thông. Nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực công- tư có sự cạnh tranh lao động… Bên cạnh đó là tác động từ chuyển dịch xã hội hoá, tự chủ đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của luật Cán bộ, công chức, viên chức, các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương, nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ quản trị như doanh nghiệp, nhiều đơn vị có chế độ ký hợp đồng thì việc ra vào khu vực công -tư là thường xuyên….

Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Trung ương, Chính phủ có nhiều Nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống. Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đã báo cáo Chính phủ căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương cho phù hợp.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia chưa tốt, nhiều người có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi sang làm việc tại khu vực tư với nhiều chính sách thu hút. Việc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động. Ngoài ra,, môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực. Tình trạng nghỉ việc, chuyển việc còn xuất phát từ lí do cá nhân, muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp…

Minh Hùng