SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI PHẢN ÁNH ĐƯỢC SỰ ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

30/09/2022

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Pháp luật, thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất cao việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc tại kỳ họp Quốc hội; thể chế được những cải tiến, đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội đã có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng ổn định.

 Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi): Mục tiêu cao nhất là chất lượng hiệu quả giải quyết công việc

 Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH năm 2022

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 9: Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2022

Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Nội quy mới thể hiện đổi mới cải tiến của Quốc hội

Làm rõ sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội đã trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu triển khai thực hiện mọt số hoạt động đổi mới, cải tiến và đến nay kiểm nghiệm cho thấy hiệu quả trong đó nhiều nội dung liên quan đến Nội quy kỳ họp, quy trình xử lý công việc tại kỳ họp. Giai đoạn gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Quốc hội điện tử được triển khai mạnh mẽ, hiện nay nhiều hoạt động như tranh luận, đăng kí phát biểu điện tử, kì họp trực tuyến, lấy ý kiến điện tử...là những vấn đề cần được thể chế trong Nội quy kỳ họp để có cơ sở pháp lý thực hiện ổn định.

So với Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành thì dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) chỉ tăng thêm 1 Điều, trong đó, bổ sung 09 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn 05 điều. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, gần như nội dung của Nội quy được thiết kế lại, kỹ thuật thể hiện đổi mới, bảo đảm rõ ràng khái quát, tránh trùng lặp. Theo đó, Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung của kỳ họp Quốc hội tại các luật, nghị quyết, bao gồm việc: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận đây là một bước thay đổi lớn về mặt kĩ thuật lập pháp, bảo đảm sự thống nhất trong các quy định hiện hành. Đồng thời, các nội dung cụ thể của Nội quy kỳ họp đã phản ánh và thể hiện được sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội và hướng đến làm sao giải quyết được nhiều nhất công việc với chất lượng tốt nhất tại kỳ họp đồng thời rút ngắn được thời gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội và cho rằng 31 nhóm vấn đề mới trong dự thảo sửa đổi đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu được nêu tại Kết luận số 848-KL/ĐĐQH15 ngày 05/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp; đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp bất thường, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua. Việc ghi nhận nội dung này trong Nội quy kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong 02 năm vừa qua và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn trong khi số lượng ngày họp thực tế không tăng lên nhiều, kịp thời xử lý vấn đề thực tiễn.

Các đại biểu tại phiên họp

Việc bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến cũng nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu. Theo đó Quốc hội có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến. Đây là hình thức họp mới được triển khai trong hơn 03 năm qua, đã bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, do vậy, đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc họp trực tuyến hoặc việc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến tại kỳ họp; trên cơ sở tiếp tục theo dõi qua thực tiễn sẽ kiến nghị để có quy định phù hợp. Đồng thời nhấn mạnh hình thức họp trực tiếp là chủ đạo; việc họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến sẽ được quyết định căn cứ tình hình thực tiễn.

Tăng cường kỉ luật công tác lập pháp

Để đảm bảo chất lượng của kỳ họp, chất lượng của các nội dung trao đổi thảo luận và quyết định của Quốc hội tại kỳ họp thì gửi tài liệu đúng thời hạn là điều có ý nghĩa quan trọng bởi đại biểu Quốc hội cần có đủ thời gian để xem xét các nội dung hồ sơ dự án trình Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian qua việc chậm gửi tài liệu, gửi tài liệu kỳ họp không đúng thời hạn, bổ sung nội dung vào sát kỳ họp…vẫn diễn ra và không được khắc phục. Do đó tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu tán thành khi dự thảo Nội quy kỳ họp bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp bổ sung  quy định “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội”. Tán thành với quy định mới này, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc có danh sách và công khai danh sách những cơ quan, đơn vị, chủ thể chậm gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội là cơ sở để theo dõi, giám sát việc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để từ đó có cơ sở đánh giá việc chấp hành tuân thủ quy định, cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Chế tài này dù nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Liên quan đến hình thức tài liệu gửi đến Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với đổi mới cải tiến hình thức lưu hành tài liệu tại kỳ họp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ sử dụng tài liệu điện tử. Điều này vừa bảo đảm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời qua thực tiễn kiểm nghiệm có hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh chia sẻ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sử dụng tài liệu điện tử nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực tế đã cho thấy hiệu quả. Tại các địa phương, các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cũng học tập Quốc hội dần chuyển sang sử dụng thiết bị điện tử, tài liệu điện tử. Tuy nhiên Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng cho rằng dù tiết kiệm và ứng dụng công nghệ thì điều quan trọng là bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Do đó đối với một số văn bản cần duy trì bản giấy gửi đến đại biểu Quốc hội để thuận lợi trong nghiên cứu, xem xét.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu 

Theo đó, đại biểu cho rằng cho rằng đối với các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thì vẫn cần gửi tờ trình, dự thảo văn bản và báo cáo thẩm tra về dự án, dự thảo được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại của hồ sơ dự án được gửi bằng bản điện tử nhằm tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, tra cứu, sử dụng tài liệu cần đối chiếu, viện dẫn được dễ dàng, hiệu quả hơn. Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn chiếu từ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, quan trọng, khối lượng tài liệu khổng lồ, do đó nếu sử dụng hết tài liệu điện tử thì đại biểu Quốc hội sẽ khó ghi chú, đối chiếu, rà soát, nhưng nếu sử dụng hết tài liệu giấy thì sẽ rất nặng nề và tốn nhiều chi phí.

Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị cần có cách xử lý linh hoạt, có những nội dung không phải dự án luật, nghị quyết nhưng trong hồ sơ tờ trình báo cáo với nhiều nội dung số liệu phức tạp cần thiết lưu hành bản giấy.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tiếp thu, báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Giải trình làm rõ nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục bảo đảm cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh việc thường xuyên hỗ trợ đại biểu Quốc hội liên quan đến thiết bị điện tử, bảo đảm truy cập của đại biểu, Văn phòng Quốc hội sẽ bố trí máy in, máy photo để có thể cung cấp tài liệu giấy theo yêu cầu của đại biểu.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng gợi ý nội dung thảo luận

Các đại biểu tại phiên họp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu góp ý về quy định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, đại biểu đồng tình việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quyết định xem xét quyết định nội dung trình Quốc hội theo quy trình rút gọn khi xem xét quyết định bổ sung nội dung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; song cần làm rõ tính cấp bách, trường hợp được xác định là cần thiết, cấp bách là cơ sở để quyết định trình Quốc hội xem xét quyết định theo quy trình rút gọn

Trước thực tế thời gian qua có một số vướng mắc trong việc trình Quốc hội quyết định ban hành dự thảo luật, dự thảo nghị quyết theo trình tự rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung bày tỏ tán thành với đề nghị cân nhắc nội dung này có thể trình Quốc hội quyết định khi Quốc hội quyết định chương trình kỳ họp.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Các đại biểu trao đổi tại phiên họp

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác