Cần phát triển hệ thống giao thông lan tỏa từ trung tâm kết nối ra ngoại vi
Bàn về vấn đề hoạch định chính sách phát triển các đô thị, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng, để hạn chế bớt xu hướng phát triển thành siêu đô thị, giảm tải cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cần phân cấp, điều chỉnh lại vai trò, giảm bớt các chức năng của một đô thị thông thường (sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và cư trú dân số dân cư lớn, cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống cho dân cư tại chỗ) để tập trung vào các chức năng quan trọng, có giá trị gia tăng cao (trung tâm hành chính nhà nước, hoạt động ngoại giao, tài chính quốc tế, trung tâm khoa học cơ bản,…). Trừ các khu vực phục vụ du lịch, cần bỏ bớt các nhiệm vụ sản xuất, kể cả của các thành phố thông thường như nông nghiệp đô thị, khu phố sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm dịch vụ đầu ngành như bệnh viện, đại học để chấm dứt cạnh tranh ngang với các địa phương xung quanh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị phát triển hệ thống giao thông lan tỏa từ trung tâm kết nối ra ngoại vi, kết nối đường sắt nội đô và ngoại thành, phát triển đường thủy, hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai, hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm, giãn bớt cư dân ra sống thoáng đãng, xanh đẹp hơn tại các đô thị vệ tinh. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ đời sống chất lượng cao và đưa hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ ra các thành phố bên ngoài. Hà Nội hỗ trợ cho vùng trung du Bắc Bộ, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho vùng Đông Nam Bộ.
Theo các chuyên gia, các vùng kinh tế xã hội đa dạng của Việt Nam cần hình thành các thành phố trung tâm làm trung tâm dịch vụ hậu cần toàn vùng nối với các thị trường lớn (sân bay, cảng biển nước sâu, đầu mối đường cao tốc, đường sắt với hệ thống kho tàng, bến bãi, sàn giao dịch); đồng thời là trung tâm khoa học công nghệ (viện nghiên cứu, đại học, dạy nghề) cung cấp giải pháp công nghệ, nhân lực chuyên gia cho các ngành sản xuất chính của vùng. Nếu Hải Phòng làm trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Vinh/Thanh Hóa là trung tâm duyên hải Bắc Bộ, Đà Nẵng là trung tâm duyên hải Nam Bộ, Buôn Mê Thuột là trung tâm Tây Nguyên, Cần Thơ là trung tâm đồng bằng sông Cửu Long thì không chỉ Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng mà 4 vùng khác đều có điều kiện phát triển kinh tế. Đây phải là những thành phố “đáng sống” có hệ thống dịch vụ dân sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng cao thu hút cư dân cao cấp (doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cao cấp) về sinh sống và làm việc lâu dài và thu hút khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ tạo điều kiện phát triển kinh tế tri thức ở các vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần ưu tiên phát triển đa dạng ngành nghề theo lợi thế không gian từng vùng, miền trong cả nước. Cụ thể, song song với việc phát triển công nghiệp chế biến chế tạo tại những vùng có lợi thế như Đông Nam Bộ, Trung du Bắc Bộ,… tại các vùng có lợi thế về nông nghiệp như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất vật tư, thiết bị, nguyên liệu đầu vào và chế biến nông sản đầu ra) gắn với các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu nông sản đảm bảo tiêu chuẩn thị trường. Xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần chuyên dụng (kho tàng, bến bãi, cảng biển, sân bay, chuỗi lạnh, v.v.) theo hướng đa dạng để phục vụ cả cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cả chăn nuôi và thủy sản. Đưa về đây các viện nghiên cứu và trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên ngành. Đầu tư dứt điểm để hình thành hệ thống giao thông thủy nối với cảng nước sâu ở đồng bằng sông Cửu Long, đường cao tốc và đường sắt nối Tây Nguyên với cảng nước sâu ở ven biển Nam Trung Bộ, thay cho chuyển hàng qua thành phố Hồ Chí Minh và lên biên giới phía Bắc bằng xe tải như hiện nay.
Ưu tiên phát triển đa dạng ngành nghề theo lợi thế không gian từng vùng, miền
Theo đó, Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, cần gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa. Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ của các ngành hỗ trợ như bệnh viện, trường học, các trung tâm văn hóa, hệ thống thông tin, tin học, v.v. gắn với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo cao cấp. Như vậy có thể đảm bảo nâng cao thể chất, bảo vệ sức khỏe, phổ cập văn hóa và tay nghề chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Phát triển cộng đồng và tổ chức tốt nghiệp đoàn, hợp tác xã, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ. Ngành dịch vụ phải phát triển từ phục vụ cư dân tại chỗ lên thành ngành kinh doanh thương mại. Chuyển từ các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt (y tế, giáo dục, du lịch, giúp việc nhà, chăm sóc người già, v.v.) sang phục vụ các nhu cầu kinh tế như ngành giao thông, vận tải (lái xe, thủy thủ, phi hành đoàn); nhà hàng-khách sạn (đầu bếp, phục vụ bàn); xây dựng (kiến trúc, thợ xây, thợ mộc), nông nghiệp, tin học, giải trí, v.v. Chuyển dần từ phục vụ thị trường trong nước sang xuất khẩu.
Ngoài ra, ở vùng Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long phát triển ưu thế kinh tế biển cần đi kèm các hoạt động công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ (công nghiệp đóng tàu, du lịch, vận tải biển, chế biến thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo, v.v.). Thiết lập các viện nghiên cứu kết hợp với các trường đại học về hải dương, thủy sản để tạo cơ sở khoa học công nghệ, dịch vụ phụ trợ để hình thành các cụm công nghiệp, trung tâm logistic trong bờ và các vùng kinh tế trên biển đảo, gắn chặt với nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Chuyển phần lớn ngư dân đánh bắt hải sản sang nuôi trồng hải sản và các nghề phi nông nghiệp, khôi phục lại rừng, sinh cảnh ven biển và đảm bảo trữ lượng thủy sinh tái tạo và phát triển vững bền. Vùng đồng bằng sông Cửu Long phải quản lý tốt khai thác nước ngầm, đưa nước ngọt ra phục vụ vùng ven, chấm dứt sụt lở bờ, tiến ra nuôi trồng, chế biến trên biển, nhất là vùng biển Tây không có bão.