Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với lãnh đạo tỉnh Bình Phước và huyện Lộc Ninh
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có: Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang; Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện lộc Ninh.
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo huyện Lộc Ninh cho biết: huyện có 16 xã, thị trấn thì có 7 xã biên giới. Hiện nay, huyện còn 568 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, chiếm 1,75% tổng số hộ dân toàn huyện. Trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 65% tổng số hộ nghèo toàn huyện.
Lãnh đạo huyện Lộc Ninh báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện chính sách dân tộc
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 các xã vùng biên theo Chương trình 135 được các xã biên giới quan tâm đầu tư như: xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, giáo dục, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa… với tổng kinh phí hơn 18,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do huyện và tỉnh trực tiếp hỗ trợ như: Hỗ trợ 140 con bò giống, 178 con dê giống, 76 máy phát cỏ, gần 2,5 tấn phân bón; hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm dụng cụ sản xuất cho 275 hộ, trị giá 1,65 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 300 hộ, trị giá gần 500 triệu đồng.
Song song đó, tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh và lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp xây dựng 4 điểm khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới với 30 căn nhà, trị giá hơn 3,6 tỷ đồng. Trong năm 2022 và 2023 sẽ tiếp tục triển khai xây 200 căn nhà với tổng trị giá hơn 24 tỷ đồng.
Về tín dụng, đến nay tổng dư nợ cho vay trong đồng bào DTTS hơn 72,2 tỷ đồng với 2.216 hộ vay. Nhờ thực hiện tốt các chính sách, trong giai đoạn 2019-2021 Lộc Ninh giảm được 583 hộ nghèo DTTS. Thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, huyện Lộc Ninh cũng đã hoàn thành việc khảo sát, tổng hợp, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn 2022-2025 gồm 10 dự án với tổng kinh phí hơn 960,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 867,3 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 93 tỷ đồng.
Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đi khảo sát tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cũng như sinh hoạt nội trú của học sinh.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cùng đoàn thăm phòng trưng bày nhạc cụ dân tộc, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh
Đối với ấp Vườn Bưởi và khu dân cư nhà liền kề chốt dân quân biên giới, xã Lộc Thiện, đoàn công tác đã tìm hiểu đời sống và điều kiện phát triển sản xuất của người dân nơi đây. Việc thực hiện kịp thời các chương trình, dự án mà mục tiêu chính sách đã đề ra đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là người DTTS tại các xã biên giới. Từ đó, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biên giới.
Sau khi khảo sát, tìm hiểu thực tế một số địa điểm và làm việc với lãnh đạo huyện Lộc Ninh, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đời sống nhân dân đã có nhiều thay đổi tích cực; song song với việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bà con luôn giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực thực hiện chính sách dân tộc của huyện Lộc Ninh trong thời gian qua. Nhiều chương trình, dự án được triển khai mang lại kết quả tốt, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên và đời sống nhân dân, đặc biệt là người DTTS tại các xã vùng biên giới.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị Lộc Ninh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh vùng biên giới ngày càng vững chắc hơn.