SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: GỠ BỎ NHIỀU NÚT THẮT VỀ THỂ CHẾ VÀ KHUNG KHỔ PHÁP LUẬT

20/09/2022

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 diễn ra từ ngay 19 – 24/9. Quan tâm tới dự án Luật, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn kỳ vọng Luật Đất đai đang sửa đổi sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật.

 

Sửa đổi Luật Đất đai: Cần tháo gỡ “nút thắt” trong sử dụng đất nông nghiệp

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn

Theo Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, đất đai là một trong bốn yếu tố sản xuất cơ bản của doanh nghiệp. Tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với doanh nghiệp, tiếp cận đất đai là quá trình doanh nghiệp có được quyền sử dụng đất để xây dựng nhà máy, công trình; có thể mua/bán/chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất, hoặc có thể thuê quyền sử dụng đất. Là một yếu tố sản xuất, đất đai có tính “khan hiếm”, chức năng của Nhà nước là thúc đẩy việc sử dụng, phân bổ nguồn lực khan hiếm này một cách hiệu quả nhất nhằm tối đa hóa lợi ích chung.

Đánh giá chất lượng quản trị công về đất đai qua thời gian qua, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, bản chất liên ngành và liên cấp của lĩnh vực quản lý đất đai khiến đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất. Từ năm 2013 đến năm 2021, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của các địa phương có xu hướng đi xuống. Chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là thước đo chất lượng quản trị công về đất đai ở cấp địa phương. Qua đó phản ánh xu hướng chung rằng việc quản lý đất đai ở các tỉnh, thành phố dường như không có chuyển biến đáng kể, thậm chí là tồn tại nhiều hạn chế hơn trong những năm gần đây.

Chỉ ra những điểm nghẽn chủ yếu trong quản trị công về đất đai ở các địa phương, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng thủ tục hành chính về đất đai còn phiền hà. Qua phản ánh của một số doanh nghiệp từng gặp trở ngại với thủ tục hành chính về đất đai trong thời gian gần đây, vấn đề phổ biến nhất là “thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định”. Một số doanh nghiệp cũng phản ánh những vấn đề như “xác định giá đất quá lâu”, “cán bộ giải quyết thủ tục không hướng dẫn đầy đủ”, “không đúng quy trình, thủ tục” và “giá đất không đúng quy định”…

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác về đất đai còn nhiều bất cập. Trong quá trình mở rộng mặt bằng kinh doanh, doanh nghiệp gặp phải những rào cản như thủ tục hành chính thuê, mua đất phức tạp; quy hoạch đất đai chưa phù hợp, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục thuê, mua đất sẽ liên quan đến điều chỉnh khung khổ pháp lý, cần sự tham gia của các cơ quan trung ương. Trong khi đó, đối với vấn đề quy hoạch, các tỉnh/thành phố cũng cần nhanh chóng giải quyết tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Mặt khác, trong những năm qua, thông tin về đất đai, đặc biệt là bản đồ và quy hoạch sử dụng đất thường xuyên đứng đầu trong số những loại thông tin, tài liệu khó tiếp cận nhất. Kết quả điều tra cho thấy, 45,8% doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, 38,5% doanh nghiệp quy mô vừa hoặc lớn khó hoặc không thể tiếp cận loại thông tin này, cao nhất trong số các loại tài liệu phổ biến mà doanh nghiệp muốn tiếp cận. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp quy mô càng nhỏ càng là nhóm “yếu thế” khi đối diện với các rào cản trong tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng kinh doanh.

Phó Tổng thư ký VCCI cũng chỉ ra rằng, việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở nhiều địa phương thời gian qua còn có tình trạng thiếu nhất quán và ổn định. Theo đó, tại một số địa phương xảy ra tình trạng điều chỉnh cục bộ về quy hoạch chi tiết xây dựng nhưng lại không phù hợp với quy hoạch chung; hoặc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch dự án còn có chỉ tiêu không phù hợp quy định, quy chuẩn xây dựng của Việt Nam. Các địa phương cũng lúng túng khi xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong quá trình phục hồi sau khoảng hai năm chống chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Một trong các giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là thông qua kênh tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng là một trong những thách thức lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho tài sản mới.

Từ những phân tích trên, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận thấy, quản trị đất đai ở các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức cần nhanh chóng tháo gỡ. Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai bởi thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều phiền hà. Công tác quản lý đất đai như quy hoạch đất đai và cung cấp thông tin về đất đai chưa được thực hiện tốt. Nhiều chính quyền địa phương cũng lúng túng trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là việc xác định giá đền bù đất đai khi có thu hồi đất. Tình trạng khó tiếp cận đất đai hiện nay cũng khiến những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để phục hồi sau đại dịch COVID-19 gặp nhiều trở ngại bởi lý do doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tăng cường các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công về đất đai ở địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tăng cường cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, chú trọng vào tăng cường công khai, minh bạch thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp; cùng với đó thực hiện thực chất nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục về đất đai, giảm nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh cần gắn với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, đặc biệt chú ý đến hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn kỳ vọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật./.

Minh Thành

Các bài viết khác