ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TỐT HƠN NHẰM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HIỆU QUẢ

20/09/2022

Nhiều chuyên gia cho rằng, bảo vệ tốt môi trường cho cuộc sống của người dân phải được xem là quốc sách quan trọng và cần đặt vai trò của toàn xã hội đối với vấn đề này một cách có trách nhiệm hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chú trọng đến cơ chế, chính sách tốt hơn để thực hiện.

Đề xuất nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Theo Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Phó Trưởng đoàn Thường trực; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng đoàn giám sát.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Quy hoạch) từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Tại cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, chuyên đề giám sát lần này hết sức lớn, quan trọng, với nhiều nội dung chuyên sâu, trong quá trình triển khai thực hiện, phải phát huy được vai trò của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các địa phương… Đoàn giám sát được thành lập với nhiều thành phần, gồm nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực có chuyên môn cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các thành viên tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến cho Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc nhằm hoàn chỉnh các văn bản để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, lưu ý xây dựng đề cương báo cáo kết quả giám sát phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo… Đồng thời, cần nắm rõ mục đích của giám sát chuyên đề này nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, kết quả của giám sát là kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập; kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Qua hoạt động giám sát, rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo. Kết quả quan trọng nhất là ra được Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Sáu (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023)”.

Một trong những nội dung mà Đoàn giám sát sẽ tiến hành giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc bảo vệ môi trường hiệu quả; đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường. Do đó, ngoài nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội thì cũng cần có cơ chế, chính sách tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ này.

Quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, TS.Trịnh Thành- Viện Khoa học, Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nêu quan điểm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tốt môi trường cho cuộc sống của người dân phải được xem là quốc sách quan trọng và cần đặt vai trò của toàn xã hội đối với vấn đề này một cách có trách nhiệm hơn. Nếu bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc thì thực hiện các nội dung, vấn đề khác sẽ rõ ràng hơn.

Liên quan đến yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, TS.Trịnh Thành cho rằng, nhiều người thường quan tâm đến khí thải và nhiệt điện mà chưa chú trọng đến nước thải, phát thải và khí thải. Vì vậy, nên có phần đánh giá về nước thải, phát thải và khí thải tác động như thế nào đến công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, vấn đề an ninh năng lượng cũng cần có sự quan tâm và kiểm soát chặt chẽ để xem xét hiệu quả đối với đời sống, phát triển kinh tế-xã hội như thế nào. Theo đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, cần chú trọng đến cơ chế, chính sách tốt hơn cho những người tham gia vào công tác bảo vệ môi trường cũng như để thực hiện các nhiệm vụ này.


Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

Đồng thuận với quan điểm trên, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, cần đặt ra mục tiêu để đạt được. Theo đó, cần đặt bảo vệ môi trường trước tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng như đưa ra quy chuẩn rác thải chứ không phải là tiêu chuẩn rác thải, quy chuẩn về môi trường xung quanh. Để bảo vệ môi trường hiệu quả, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chú trọng đến cơ chế, chính sách để người dân, tổ chức tham gia tích cực cũng như các cơ quan có những nghiên cứu, đưa ra giải pháp hữu hiệu để thực hiện.

Với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao vai trò, trách nhiệm và cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng đến vấn đề này.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng cho biết, sẽ chỉ đạo Ủy ban tiếp thu các ý kiến, đề xuất về Kế hoạch, đề cương phục vụ Đoàn Giám sát của Ủy ban Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến./.

Bích Lan