GS.TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG: NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH, TĂNG SỰ MINH BẠCH VÀ TUÂN THỦ CÁC CHUẨN MỰC QUỐC TẾ

19/09/2022

Đưa ra khuyến nghị nhằm đảm bảo lành mạnh tài chính đối với hệ thống ngân hàng tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, GS.TS. Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị tiền đề cho kinh tế phục hồi và tăng trưởng dài hạn

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm qua nhưng vẫn còn nhỏ hơn các nước trong khu vực. Hiện nay, cơ cấu tài sản giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính chưa hợp lý, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Năng lực cung ứng vốn của hệ thống tài chính Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Thời gian qua, khu vực ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, nhận diện những rủi ro bất ổn tại khu vực ngân hàng, GS.TS. Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết khu vực này đang xuất hiện một số rủi ro bất ổn. Theo đó, mức độ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đang bị đe dọa bởi sự suy giảm chất lượng tài sản và danh mục tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro từ năm 2020. Kể từ khi có dịch bệnh, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang bị sụt giảm.

Bên cạnh đó, nợ xấu có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 hoành hành, có thể gây rủi ro cho hệ thống. Chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ đến hạn hiện nay là giải pháp tình thế, cần thiết trong ngắn hạn nhằm mục tiêu chính là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong trung hạn như gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản.

Mặt khác, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất khả năng thanh toán của khách hàng. Tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh chóng. Sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán là một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, với mức nắm giữ trực tiếp 27,3% tổng trái phiếu và mua qua các công ty chứng khoán thành viên. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao, trong đó có nhiều doanh nghiệp không niêm yết. Thêm vào đó, lợi nhuận ngân hàng cao nhưng chưa thực chất, bị đe dọa bởi một số nguy cơ như: nợ xấu cũ đang được xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chưa xử lý tiếp tục tồn đọng; quá trình xử lý nợ xấu phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các ngân hàng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Từ những nhận định trên, GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, thực tế này sẽ nghiêm trọng đối với những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Sự phân hóa này dần dần sẽ kéo theo sự phân hóa về chất lượng tài sản và lợi nhuận giữa các ngân hàng trong tương lai, khi các thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hết hiệu lực.

Lý giải nguyên nhân của những rủi ro bất ổn trên, GS.TS Phạm Hồng Chương chỉ ra rằng, khung pháp lý vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là các quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; công cuộc chuyển đổi số trong quản lý điều hành còn chậm chạp; sự phối kết hợp giữa các bộ ngành trong điều hành chính sách đôi khi còn chưa hiệu quả. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số ngân hàng chưa áp dụng được theo tiêu chuẩn Basel II; chiến lược chuyển đổi số chưa được thực hiện mạnh mẽ, vẫn còn yếu tố “chây ỳ” ở một số ngân hàng sở hữu nhà nước và ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ; công tác quản trị rủi ro ở một số ngân hàng còn chưa chuyên nghiệp, gây ra nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho không chỉ ngân hàng đó mà cho cả hệ thống.

Từ những phân tích trên, để đảm bảo lành mạnh tài chính đối với hệ thống ngân hàng, GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi có chọn lọc với sự tham gia của ngân sách Nhà nước và tập trung vào các ngành kinh tế có tính lan tỏa cao. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ.

Cùng với đó, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường xử lý nợ xấu, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống. Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, rà soát toàn diện các luật khác có liên quan tới xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu./.

Minh Thành