XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: ĐÁP ỨNG KỊP THỜI YÊU CẦU, NHIỆM VỤ PHÒNG THỦ DÂN SỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

19/09/2022

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng thủ dân sự tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ do Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam nêu rõ, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng thủ dân sự

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự được xây dựng dựa trên cơ sở Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Nghị quyết đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố, thảm họa, giảm thiểu thiệt hại góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết yêu cầu “Sau năm 2010, xây dựng mới các đạo luật về phòng thủ dân sự, giáo dục quốc phòng, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, chống khủng bố…”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới đã xác định xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành khu vực phòng thủ vững chắc, là bộ phận hợp thành hệ thống phòng thủ chung của Quân khu và cả nước giữ vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Mới đây, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan, trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chủ trương chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm…; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự”. Một trong các nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự là “Khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Về cơ sở pháp lý, nhiều quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng được quy định bằng văn bản dưới luật, có văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng do chưa đủ điều kiện nên trước mắt đã ban hành nghị định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Tuy nhiên, những quy định này chưa bảo đảm nguyên tắc hiến định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. 

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho biết, phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm hoạ, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, hạn chế, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Có nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có quy định liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự nhưng các văn bản này chỉ áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể, chưa có tính bao quát, thống nhất, toàn diện để áp dụng chung đặt ra yêu cầu khắc phục để tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng thủ dân sự.

Mặt khác, những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế, xã hội. Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn. Cụ thể, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ thảm họa, sự cố để làm cơ sở xác định các biện pháp ứng phó. Việc quy định các biện pháp ứng phó cũng chưa có sự thống nhất.

Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả; nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả. Thực tiễn cũng đòi hỏi phải có những biện pháp có tính chuyển tiếp trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, xuất phát từ nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự rộng nên chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự bao trùm hết chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành khác ở trung ương về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ dẫn đến khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đều vào cuộc, gây lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Hệ thống tổ chức chỉ đạo phòng thủ dân sự ở cấp trung ương, chỉ huy ở các bộ, ngành và địa phương hiện nay không thống nhất. Ở trung ương tồn tại độc lập nhiều cơ quan, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy, trong khi đó, cấp bộ, ngành trung ương và địa phương đã hợp nhất các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thành một tổ chức duy nhất là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo hoặc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp trên. Sự thiếu đồng bộ này khiến cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai.

Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ các lý do nêu trên, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra./

Minh Thành