ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI THÁNG 8/2022

14/09/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, chiều 14/9, dưới sự điều hành của Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ

Toàn cảnh Phiên họp 

Tham dự Phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Duy Giảng; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; đại diện Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc UBTVQH đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và hoan nghênh hoạt động của UBTVQH trong thời gian qua, nhất là tại Phiên họp thứ 14 của UBTVQH đã tổ chức chất vấn về một số vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của Nhân dân được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm và tin tưởng việc chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực, khắc phục được những hạn chế trong các lĩnh vực này.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc UBTVQH đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới. Trong đó, có nhiều vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh để bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc UBTVQH đã tiến hành giám sát 02 chuyên đề: “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Qua giám sát đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế và kiến nghị giải pháp khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; hiện tượng động đất diễn ra liên tục ở Kon Tum, tình trạng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại một số địa phương; xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây nguy cơ lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân; tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp có xu hướng lan rộng…

Đặc biêt, cử tri quan tâm phản ánh về tình trạng một số cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng bán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; tình trạng người lao động Việt Nam bị các đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ sang Campuchia; một số trường đại học đã công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2022 - 2023 tăng mạnh so với các năm học trước; việc quản lý dữ liệu thông tin cá nhân người dùng điện thoại di động của các nhà mạng chưa đạt hiệu quả; tình trạng mua bán thông tin cá nhân….

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, đối với ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp 3, đến nay, đã có 1.340 kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ Ba đã được giải quyết, trả lời. Như vậy, tính đến nay, còn 271 kiến nghị (chiếm 16,8%) chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

Đối với ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp 3, đến nay đã có 109 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời. Như vậy, tính đến nay, còn 920 kiến nghị, chiếm 89,4% đang được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, mặc dù chưa đến hạn giải quyết, trả lời đối với kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3 nhưng Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc để các cơ quan sớm giải quyết, trả lời kịp thời thông tin, phục vụ công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 của đại biểu Quốc hội và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 tại Phiên họp thứ 16 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong tháng 8/2022 có chiều hướng giảm so với tháng 7/2022

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 8/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 7/2022. Qua công tác phối hợp với Bộ Công an và nắm tình hình, trong tháng 8/2022 có nổi lên 08 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 8/2022, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 623 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 507 vụ việc và có 36 lượt đoàn đông người so với tháng 7/2022, tăng 16 lượt người về 11 vụ việc và 21 lượt đoàn đông người.

Trong tháng 8/2022, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH nhận được 2.072 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua phân loại có 811 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 411 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 94 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, tiếp tục nghiên cứu 150 đơn, xếp lưu 156 đơn và nhận được 182 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về tiến độ giải quyết, kết quả giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn trước đó.

Về thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2002, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản  thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và có văn bản thông tin kết quả thực hiện đến Ban Dân nguyện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với kiến nghị cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 05 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác dân nguyện

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cũng chỉ rõ việc thực hiện công tác dân nguyện còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tổng hợp, báo cáo của một số cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp chung. Nội dung báo cáo chưa phản ánh được những vấn đề cử tri quan tâm, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương; Việc đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế, việc tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể chưa nhiều; số vụ việc sau khi được giám sát mà các cơ quan của Quốc hội có văn bản yêu cầu người có thẩm quyền tiếp tục xem xét, giải quyết, thanh tra, rà soát lại còn ít; việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa đạt hiệu quả cao.

Từ những tồn tại nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân tại địa phương; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thu thập những vấn đề cử tri quan tâm và định kỳ hằng tháng báo cáo tại Báo cáo về công tác dân nguyện.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần chủ động trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của công dân gửi đến; giải quyết, trả lời kịp thời ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực phụ trách.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các Bộ, ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nếu có vi phạm; có biện pháp quyết liệt hơn để xử lý các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ lao động trái phép; có giải pháp căn bản giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị và thành phố lớn hiện nay; chỉ đạo các trường đại học cần có lộ trình tăng học phí phù hợp, có chính sách hỗ trợ đối với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn; chấn chỉnh tình trạng lạm thu vào đầu năm học; có những quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng điện thoại di động;  có các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do xâm nhập mặn gây ra; tăng cường các biện pháp kịp thời, hiệu quả phòng, chống dịch sốt xuất huyết…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về nội dung Phiên họp này./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức