RÀ SOÁT TÍNH TƯƠNG THÍCH CỦA DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC CAM KẾT FTA CỦA VIỆT NAM

08/09/2022

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thời gian gần đây, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, có các cam kết trực tiếp và chi tiết về giao dịch điện tử nói riêng và thương mại điện tử nói chung, cần rà soát tính tương thích của các quy định trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các cam kết FTA về giao dịch điện tử và thương mại điện tử.

Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Các FTA có cam kết về giao dịch điện tử/thương mại điện tử cần rà soát tính tương thích

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế là một trong những yêu cầu quan trọng đối với tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đối với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), yêu cầu này càng được nhấn mạnh hơn trong bối cảnh nhiều FTA thời gian gần đây, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, có các cam kết trực tiếp và chi tiết về giao dịch điện tử nói riêng và thương mại điện tử nói chung.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, trên thực tế, việc thực thi các cam kết về giao dịch điện tử trong các FTA đồng nghĩa với việc Việt Nam cần bảo đảm rằng hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử tương thích đồng thời với tất cả các cam kết liên quan trong các FTA này. Trong trường hợp các FTA có các mức cam kết khác nhau về cùng một vấn đề thì pháp luật về giao dịch điện tử Việt Nam cần tuân thủ mức cam kết cao nhất trong số đó.

Qua rà soát, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhận thấy, về cơ bản các cam kết về giao dịch điện tử trong các FTA mà Việt Nam tham gia phần lớn chỉ khác nhau ở phạm vi các vấn đề cam kết và mức độ cam kết, còn nội dung cam kết trong cùng vấn đề khá tương đồng. Điều này giúp cho việc rà soát và thực thi các cam kết này của Việt Nam cũng được giản tiện hơn đáng kể.

Cụ thể, liên quan trực tiếp tới chế định giao dịch điện tử, trong số 07 FTA có cam kết, ngoại trừ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (Việt Nam – EAEU FTA) có một vài cam kết khác biệt, tất cả các FTA còn lại có nội dung cơ bản giống và ở mức cam kết tương đương hoặc thấp hơn cam kết của CPTPP.

Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc rà soát tính tương thích của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các cam kết FTA sẽ giới hạn ở các cam kết liên quan trong CPTPP và Việt Nam-EAEU FTA.

Phạm vi các cam kết cụ thể cần rà soát tính tương thích

Xét một cách chặt chẽ, theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, các cam kết có liên quan tới giao dịch điện tử (trong đó chủ yếu là thương mại điện tử) trong các FTA của Việt Nam có thể xếp thành 02 nhóm chính, bao gồm:

- Nhóm các cam kết trực tiếp, có phạm vi áp dụng chung về giao dịch điện tử: Nhóm này phần lớn nằm trong Chương/phần về Thương mại điện tử trong các FTA, tập trung vào các giao dịch điện tử trong các khía cạnh khác nhau của hoạt động thương mại;

- Nhóm các cam kết đề cập tới giao dịch điện tử trong các lĩnh vực cụ thể, ví dụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực hải quan (thủ tục khai hải quan điện tử, xử lý trước khi hàng đến trên cơ sở hồ sơ điện tử, trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan hải quan các Bên…), thương mại hàng hóa (chứng nhận an toàn sản phẩm dạng điện tử, C/O điện tử…), sở hữu trí tuệ (hệ thống đăng ký sở hữu trí tuệ điện tử), mua sắm công (đấu thầu điện tử). Nhóm này chủ yếu tập trung vào các giao dịch điện tử trong các thủ tục hành chính có liên quan tới hoạt động thương mại (ví dụ thủ tục xuất nhập khẩu, chứng nhận cho hàng hóa, đăng ký bảo hộ quyền, mua sắm công…).

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhận thấy, rà soát sơ bộ cho thấy các cam kết có liên quan tới giao dịch điện tử trong các lĩnh vực cụ thể cơ bản không vượt ra ngoài các cam kết chung về giao dịch điện tử trong nhóm cam kết về giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại điện tử nói chung.

Vì vậy, rà soát tính tương thích của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các cam kết FTA sẽ giới hạn ở các cam kết trực tiếp về giao dịch điện tử trong Chương Thương mại điện tử (CPTPP) và Chương Công nghệ điện tử trong thương mại (VN-EAEU FTA).

TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng cần lưu ý việc rà soát chỉ tập trung vào các nội dung cam kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, không đánh giá các nội dung dù có cam kết về giao dịch điện tử nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam (ví dụ các cam kết về bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, ngăn chặn thông điệp dữ liệu không mong muốn, bảo vệ quyền riêng tư trên môi trường điện tử, thuế quan đối với giao dịch điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới…).

Nhận thấy phạm vi của Luật Giao dịch điện tử rộng hơn đáng kể so với các cam kết về giao dịch điện tử trong các FTA, vì vậy TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, chỉ các nội dung trong Dự thảo quy định về các vấn đề có cam kết mới cần tuân thủ cam kết; với các nội dung Việt Nam chưa cam kết, Dự thảo có thể quy định tùy nghi (ví dụ quy định về các dịch vụ tin cậy; một số quy định về chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…).

Kết quả rà soát tính tương thích của Dự thảo với các cam kết FTA

Kết quả rà soát tính tương thích của các quy định trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các cam kết về giao dịch điện tử liên quan trong các FTA mà Việt Nam tham gia cho thấy, về cơ bản, phần lớn các quy định trong Dự thảo đã tương thích với các cam kết FTA liên quan (các quy định tuân thủ hoặc có nội dung phù hợp với yêu cầu tại các cam kết). Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết, do đó cần được điều chỉnh cho phù hợp. Một số ít trường hợp Dự thảo còn thiếu các quy định như yêu cầu của cam kết, do đó cần được bổ sung để bảo đảm tuân thủ.

Về các nhóm quy định trong Dự thảo đã tương thích với các cam kết FTA, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết,nhóm các quy định đã tương thích với các cam kết FTA chiếm phần lớn trong Dự thảo, bao gồm: Các quy định về giải thích từ ngữ (Điều 3); Các quy định về phạm vi áp dụng (Điều 1, 2); Các quy định về giá trị pháp lý của chứng thực điện tử, chữ ký điện tử (Điều 24, 25); Các quy định về quyền lựa chọn phương thức điện tử (Điều 4), công nhận tương thích (Điều 28); Các quy định sử dụng văn bản điện tử trong các thủ tục, giao dịch với các cơ quan Nhà nước (Điều 10-13, Điều 45).

Về nhóm quy định trong Dự thảo chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết FTA, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nêu rõ, Nhóm này chỉ bao gồm 01 trường hợp duy nhất, đó là một số quy định chưa bảo đảm tuân thủ các quy định Luật mẫu UNCITRAL về Thương mại điện tử 1996 và do đó chưa tương thích với cam kết CPTPP.

Cụ thể, theo Điều 14.5 CPTPP, Việt Nam phải duy trì một khung pháp lý điều chỉnh các giao dịch điện tử phù hợp với các nguyên tắc của Luật mẫu UNCITRAL về Thương mại điện tử 1996 (MLEC) hoặc Công ước Liên hợp quốc về sử dụng các liên lạc điện tử trong các hợp đồng quốc tế đã được thông qua tại New York vào 23/11/2005.

Do cả hai văn bản này đều không có điều khoản riêng nào về “các nguyên tắc” nên cam kết CPTPP này dường như đồng nghĩa với việc Việt Nam cần tuân thủ tất cả các quy định áp dụng chung trong hai văn bản này. Rà soát cho thấy, phần lớn các quy định được thiết kế dựa trên MLEC nên suy đoán Việt Nam lựa chọn tuân thủ MLEC sẽ thuận lợi hơn.

Rà soát sơ bộ cho thấy, một số quy định hiện tại của Dự thảo chưa bảo đảm tuân thủ đầy đủ MLEC, do đó chưa tuân thủ CPTPP. Vì vậy, để bảo đảm tính tương thích với cam kết liên quan của CPTPP, TS. Nguyễn Thị Thu Trang đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát từng điều khoản liên quan của Dự thảo với MLEC để bảo đảm tuân thủ đầy đủ cam kết CPTPP về vấn đề này.

Về Nhóm các quy định mà Dự thảo chưa có, cần bổ sung để bảo đảm, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nêu rõ, một số cam kết FTA chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo. Điều này mặc dù không vi phạm cam kết nhưng có thể làm giảm mức độ tương thích của Dự thảo với các yêu cầu liên quan. Dẫn chứng về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, CPTPP có cam kết về định nghĩa “chứng thực điện tử”, dự thảo Luật mặc dù có sử dụng thuật ngữ này (Điều 23 của Dự thảo và các điều khoản về Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia) nhưng lại không có định nghĩa cụ thể.

Bên cạnh đó, CPTPP (Điều 14.9) và VN-EAEU FTA (Điều 13.4) có cam kết về việc công nhận hiệu lực pháp lý của các văn bản điện tử mà các tổ chức, cá nhân cung cấp trong các thủ tục, giao dịch với cơ quan Nhà nước nhưng dự thảo Luật chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này ngoại trừ các quy định về hiệu lực pháp lý chung của thông điệp dữ liệu (hiện Dự thảo tập trung điều chỉnh chủ yếu các thông điệp dữ liệu hoặc hành vi giao dịch từ góc độ của cơ quan Nhà nước).

Vì vậy, để bảo đảm tuân thủ tốt hơn cam kết, TS. Nguyễn Thị Thu Trang đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung các quy định liên quan, trong đó có: Định nghĩa “chứng thực điên tử”; Quy định rõ về việc không yêu cầu nộp văn bản giấy để đối chiếu với văn bản điện tử; Quy định rõ về việc tổ chức, cá nhân có thể xuất trình văn bản điện tử trong các thủ tục với cơ quan Nhà nước nếu phù hợp…

Từ những phân tích nêu trên, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhận thấy, qua rà soát Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), phần lớn các quy định trong dự thảo hiện đã tương thích với các cam kết FTA về giao dịch điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Mặc dù vậy, vẫn có một số ít trường hợp quy định chưa bảo đảm yêu cầu của cam kết, và do đó cần được điều chỉnh trong dự thảo Luật để tuân thủ. Trong số này, cần đặc biệt rà soát để Dự thảo thể hiện đầy đủ và toàn diện các nguyên tắc trong Luật mẫu UNCITRAL về Thương mại điện tử 1996 (MLEC)./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác