Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không nêu những nội dung Luật không điều chỉnh và bổ sung đầy đủ các vấn đề được điều chỉnh tại dự thảo Luật. Đồng thời, bố cục lại để rõ ràng, hợp lý hơn, điều chỉnh vị trí các chương. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương, 119 điều nhiều hơn 13 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội, bỏ 01 điều, bổ sung 14 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng và quy định cho phép ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh bằng hình thức quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện Hồ sơ theo quy định đối với các chính sách mới đề xuất.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh. Hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cấm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... nên cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai.
Về Giấy phép hành nghề, điều kiện đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc quy định đánh giá năng lực hành nghề để cấp giấy phép hành nghề là cần thiết nhằm chuẩn hóa chất lượng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, góp phần chuẩn hóa các nội dung, chương trình đào tạo và yêu cầu đầu ra đối với đào tạo nhân lực y tế. Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã quy định lộ trình áp dụng điều kiện về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề với các chức danh khác nhau tại Điều 116.
Toàn cảnh Phiên họp
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bổ sung Điều 23 quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia để làm rõ hơn địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, nghiên cứu, thể hiện tại dự thảo Luật một cách phù hợp, cụ thể hơn về mô hình tổ chức, thành phần của Hội đồng, nghiên cứu để giao những nhiệm vụ mang tính chuyên môn cao, xứng tầm với vị trí là hội đồng quốc gia như tư vấn xây dựng chính sách, pháp luật về y tế, khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh v.v...
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, dự thảo được chỉnh lý theo hướng chỉ giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, còn thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép hành nghề thì giao các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện theo thẩm quyền quán lý. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn tham gia trong quá trình đào tạo chuyên môn và hoạt động cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như định hướng tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Về Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiêu chuẩn, chất lượng và việc đánh giá, chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định mỗi cơ sở có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn; quy định bắt buộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu do Bộ Y tế ban hành, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao và quy định tổ chức đánh giá, chứng nhận chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, nhiều ý kiến đề nghị quy định thời hạn với Giấy phép hoạt động; bổ sung chế tài nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, có cơ chế “thưởng” nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao; quy định cụ thể hơn nữa về mối quan hệ giữa cơ quan quản lý về khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức đánh giá, chứng nhận chất lượng.
Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, dự thảo Luật quy định về việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thực hiện trong trường hợp giữa người hành nghề với người bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, vẫn còn có ba loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất nhất trí chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc như dự thảo và giao Bộ Y tế quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nhất trí với ý kiến này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hoạt động mới, trước mắt, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính ổn định của pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh từ xa là phương thức khám bệnh, chữa bệnh mới, là vấn đề lớn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, nên cần quy định cụ thể bằng một mục hoặc một chương trong Luật về điều kiện đảm bảo về nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện, giá dịch vụ, cơ chế thanh toán chi phí, giá khám bệnh, chữa bệnh từ xa...
Loại ý kiến thứ ba đồng ý việc quy định khám bệnh, chữa bệnh từ xa nhưng đề nghị chỉ nên khu trú vào hoạt động tư vấn, hỗ trợ, theo dõi chăm sóc sức khỏe từ xa như một số nước có nền y tế phát triển.
Về y học gia đình, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm y học gia đình và quy định về y học gia đình. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo mới đề cập đến cơ sở y học gia đình, chưa làm rõ việc áp dụng theo nguyên lý y học gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mối quan hệ của hình thức này với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và hệ thống tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện đảm bảo, cơ chế thanh toán nhằm tăng cường hệ thống y tế cơ sở.
Về hệ thống tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo đã làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của 3 cấp khám bệnh, chữa bệnh (cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu), cơ chế phân định cấp khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, còn có 3 loại ý kiến khác nhau về việc phân định 3 cấp khám bệnh, chữa bệnh. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định không khả thi do chưa rõ cơ cấu, khung năng lực của từng cấp và cơ sở, tiêu chí cụ thể để xếp loại về cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang và hệ thống tư nhân. Bên cạnh đó, việc phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cần đặt trong quy hoạch tổng thể của ngành y tế. Loại ý kiến thứ ba đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo được chỉnh lý theo hướng Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và có các chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Có ý kiến cho rằng, cần cụ thể hơn về phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội; liệt kê, phân loại đầy đủ các hoạt động và điều kiện xã hội hóa như hoạt động nào ngân sách nhà nước chưa bố trí được, cần huy động nguồn lực xã hội để thực hiện xã hội hoá hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xã hội hóa.
Về giá khám bệnh, chữa bệnh là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cả về quy định các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp…
Một số ý kiến cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp.