KHÍCH LỆ THỰC HIỆN QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA TRONG TRƯỜNG HỌC

07/09/2022

Hưởng ứng công tác xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học; sử dụng hiệu quả các thiết chế động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực, gương mẫu trong công tác xây dựng môi trường văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Hưởng ứng công tác xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đào tạo

Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội cùng các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu cho UBND Thành phố, đồng thời chủ động phối hợp các sở, ban, ngành triển khai những nội dung thực hiện văn hóa học đường trong trường học đạt hiệu quả thiết thực.

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng học” cùng sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND Thành phố đã có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt để ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hoàn thành kế hoạch đề ra, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học và gần 150 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa 

Năm học 2021-2022, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Mạng lưới các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục được rà soát, bổ sung.

Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện các văn bản trong toàn ngành, cụ thể: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 18/8/2020 về Kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học” giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 585/KH-SGDĐT ngày 28/02/2018 của Sở GDĐT về thực hiện môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống xâm hại bạo lực học đường; Kế hoạch số 3081/KH-SGDĐT ngày 21/9/2020 của Sở GDĐT về triển khai thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025; Hướng dẫn số 1002/HD-SGDĐT ngày 19/4/2022 về hướng dẫn xây dựng môi trường văn hóa trong trường học ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025… Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện kế hoạch Liên tịch số 80/KH-LT ngày 12/01/2005 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục về việc phát động phong trào Thi đua trong toàn Ngành thực hiện cuộc vận động “Xây dựng Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; theo Quyết định số 36/QĐ-SGDĐT ngày 10/8/2005 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Tiêu chuẩn “Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; tham mưu cho UBND Thành phố Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn Thành phố chủ động phối hợp cùng ngành giáo dục, đào tạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường;         

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trên cơ sở nội dung 02 bộ quy tắc của Thành phố Hà Nội là: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội “ và “ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản Hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử... Hướng dẫn thực hiện và nội dung quy tắc được niêm yết công khai tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của mỗi nhà trường để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng thực hiện. Bên cạnh đó, yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học…

Ngành giáo dục, đào tạo Thành phố đang tiếp tục triển khai dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Thủ đô đã thu được những kết quả rất khả quan. Học sinh hứng thú, yêu thích các tiết học và có chuyển biến rõ nét trong cách giao tiếp, ứng xử đồng thời nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo cha mẹ học sinh. Hiện nay ngành giáo dục, đào tạo đang xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và dạy cho các lớp mầm non 5 tuổi trên địa bàn thành phố.

Chỉ đạo các nhà trường, phòng giáo dục, đào tạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng thành lập bộ phận làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học đến nay đã có 100% các đơn vị trường học (gần 1600 trường học) đã thành lập bộ phận tư vấn tâm lý với thành phần gồm đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng chuyên trách, nhân viên y tế trường học, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện phụ huynh học sinh.

Phòng tư vấn tâm lý bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định và hoạt động khá hiệu quả trong việc tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học); tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời.Giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy tắc, văn hóa ứng xử phù hợp với từng nhà trường, phù hợp phong tục tập quán của địa phương nơi trường đóng trên cơ sở quy định chung của ngành và tập trung vào “Việc nên làm”, “Việc không được làm”...

Khích lệ thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học; tăng cường và sử dụng hiệu quả các thiết chế như động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực, gương mẫu trong công tác xây dựng môi trường văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Cụ thể, chỉ đạo các nhà trường, xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung Văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh, từ đó mong muốn lan tỏa đến phụ huynh học sinh; tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường; nắm bắt thông tin học sinh, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng người học. Tiến hành khảo sát thông tin về học sinh ngay từ khi vào đầu cấp học và cập nhật thường xuyên để phục vụ cho công tác giảng dạy, hỗ trợ học tập, rèn luyện của học sinh. Các thông tin này được thu thập, lưu giữ và sử dụng theo đúng quy định hiện hành; xây dựng môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; chủ động phối hợp cùng gia đình và xã hội trong việc xây dựng và thực hiện Văn hóa ứng xử trong trường học; tổ chức các phong trào thi đua giữa các khối, lớp, trong toàn trường, các hoạt động trải nghiệm, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, các câu lạc bộ cho phù hợp với lứa tuổi, cấp học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thông tin truyền thông trong việc thực hiện Văn hóa ứng xử trong trường học; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân. Cụ thể, kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên; phát triển cho học sinh, sinh viên những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục và triển khai các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả, thực chất 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về tình cảm, tình yêu quê hương đất nước; bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc; xây dựng, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Namh; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hình thức khẩu hiệu, báo chí, phương tiện truyền thông, internet phù hợp với thuần phong mỹ tục, đúng mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường, của ngành. Đảm bảo công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục; chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục; quan tâm xây dựng mối quan hệ con người với con người; con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến; đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư  viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường…/.

Thu Phương