Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022: Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp báo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và đông đảo phóng viên báo chí.
Toàn cảnh cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.
Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, từ đầu năm 2022, lạm phát thế giới tăng nhanh do giá nhiều hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới leo thang bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Để kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thay đổi nâng lãi suất liên tục 4 lần và đến nay mức lãi suất đã tăng lên đến 2,25-2,5%. Ngân hàng châu Âu, ngân hàng có tính chất chi phối nền kinh tế lớn, cũng tăng rất cao lên 0,5%. Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng lãi suất. Ở trong nước, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát; đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trong vài tháng gần đây, đặc biệt là tháng 7 và tháng 8, giá xăng đã giảm, chỉ số lạm phát có tăng nhưng không nhiều. Chính vì thế, chúng ta tiếp tục duy trì được mức lạm phát 2,88%. Những yếu tố về tiền tệ cùng một số nguyên nhân khác nữa cũng là những vấn đề cần được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương lúc này cũng là vấn đề cần được tính toán rất chặt chẽ.
Từ năm 2021 đến nay, các nước phải tăng lãi suất rất cao, nhưng ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì ổn định lãi suất điều hành, không thay đổi. Điều này nếu xét về mức tốc độ tương đối của đất nước thì rõ ràng Việt Nam đang giảm lãi suất so với các nước đang tăng nhanh. Ngân hàng Nhà nước cũng có chính sách để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận với nguồn vốn hợp lý với giá rẻ hơn so với nguồn vốn đi vay ở nước ngoài.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề cập về việc tăng lãi suất ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc phòng chống lạm phát phải đáp ứng được nhiều nội dung, nhu cầu, nhiều bài toán đặt ra. Đó là vấn đề kiểm soát lạm phát nhưng vẫn vừa hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo khôi phục nhanh nền kinh tế, nhất là sau dịch bệnh Covid-19. Hai vấn đề này đặt ra bài toán lãi suất của ngân hàng, tiếp tục điều hành hết sức linh hoạt và đảm bảo được mục tiêu đó. Đối với ngân hàng thương mại, thời gian qua cũng có tăng nhẹ lãi suất huy động cho vay ở mức 0,25%, cho vay là 0,24%. Mức này có thể là thấp nhất trong tất cả các nước khu vực châu Á.
Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân 9-9,3%, lãi suất huy động bình quân từ 6,3-6,8% đối với kì hạn trung bình. Mức lãi suất cho vay này so với vài năm gần đây có thể nói duy trì ở mức khá ổn định. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát nhưng lại khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tìm các biện pháp bằng nội lực, nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại bằng việc cắt giảm chi phí trong hoạt động của mình hoặc cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra là tránh lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Đây không chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội mà còn là Nghị quyết của cơ quan Trung ương bởi vì điều kiện quan trọng là tiếp tục ổn định kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì thế, nhiệm vụ duy trì tỷ lệ lạm phát theo mục tiêu được đặt ra từ đầu năm là dưới 4% và chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra là từ 6-6,5%. Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% tùy điều kiện thực tế để thay đổi linh hoạt.
Để thực hiện việc này, ngay từ đầu năm, trong điều kiện nền kinh tế không có những biến động, đặc biệt là giá cả xăng dầu, một số hàng hóa ảnh hưởng đến giá cả chung cả nước như hiện nay thì 14% này có thể nói được tính toán tương đối đầy đủ. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để triển khai. Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng 9,91% là rất cao so với cùng kỳ năm ngoái và có thể nói cơ bản đã sử dụng hết hạn mức giao đầu năm. Phần còn lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giao đầu mối cho các ngân hàng tín dụng trong 1-2 ngày tới, với quan điểm tạo điều kiện cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh, hệ số an toàn cao./.