DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI): BỔ SUNG QUY ĐỊNH VIỆC THÚC ĐẨY DỮ LIỆU MỞ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

06/09/2022

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Giám đốc Marketing Phạm Đức Tiến, Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam cho rằng, nhiều vấn đề của dự thảo Luật còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, đặc biệt ở Chương V - Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung quy định về việc cấp phép sử dụng và cấp quyền tương ứng cho dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác.

Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Giám đốc Marketing Phạm Đức Tiến, Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều vấn đề còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, đặc biệt ở Chương V: Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Quan tâm đến nội dung quy định tại Chương này, Giám đốc Phạm Đức Tiến đề nghị bổ sung vào Điều 41 về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu. Cụ thể, cần bổ sung khái niệm “dữ liệu mở”, đồng thời phân loại rõ dữ liệu mở nói chung và dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Ông Phạm Đức Tiến giải thích, thực tế tại các nước phát triển trên thế giới, dữ liệu mở được bao quát rộng hơn, dữ liệu mở trong cơ quan nhà nước (thường được gọi là “Dữ liệu mở Chính phủ - Open Government Data - OGD) chỉ là một phần trong dữ liệu mở. Do vậy, dự thảo Luật nên bổ sung và phân tách rõ khái niệm này đầy đủ hơn.  

Bổ sung nội dung quy định về việc cấp phép sử dụng và cấp quyền tương ứng cho dữ liệu mở 

Đặc biệt, ông Phạm Đức Tiến đề nghị bổ sung thêm điều mới trong chương V. Theo đó, bổ sung nội dung quy định về việc cấp phép sử dụng và cấp quyền tương ứng cho dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác. Tác giả hoặc chủ sở hữu của dữ liệu sẽ là chủ thể cấp phép mở cho dữ liệu của mình.

Giám đốc Phạm Đức Tiến cho biết, theo các tổ chức quốc tế, dữ liệu cần phải được cấp giấy phép mới trở thành dữ liệu mở, giấy phép sẽ quy định các quyền mà chúng ta được phép làm với dữ liệu mở này. Ví dụ như giấy phép điển hình trên thế giới là Creative Commons (viết tắt là CC), với nhiều cấp độ quy định cho dữ liệu mở như: miễn phí tiếp cận, tự do tùy chỉnh, chia sẻ, phân phối lại, sử dụng trong thương mại hoặc phi thương mại,... Ông Phạm Đức Tiến cũng nêu dẫn chứng tại Hàn Quốc, Chính phủ của họ đã triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở Chính phủ (OGD - Open Government Data), họ có bộ giấy phép tên là Giấy phép Chính phủ Mở Hàn Quốc (Korea Open Government License - KOGL), trong Luật Bản quyền của nước này cũng quy định các loại dữ liệu nào của Chính phủ phải cấp phép và áp dụng giấy phép trên. Ví dụ, Hệ thống mua sắm công của Hàn Quốc (truy cập tại địa chỉ: https://data.g2b.go.kr) cho phép các tổ chức, doanh nghiệp kết nối API để khai thác miễn phí các thông tin mua sắm công trên Hệ thống, định dạng dữ liệu là XML và JSON đều là những định dạng phổ biến. Doanh nghiệp sẽ được khai thác miễn phí các thông tin thống kê về thị trường mua sắm công của Hàn Quốc, thông tin thống kê và các dịch vụ của nhiều thị trường mua sắm khác như Nara Market Place hay Nuri Market, những thị trường mua sắm khác tại Hàn Quốc bên cạnh mua sắm công. Quyền sử dụng các dữ liệu trên đều được quy định rất rõ ràng tại Luật Bản quyền của Hàn Quốc, cụ thể là toàn bộ các tài liệu trên Hệ thống mua sắm công của Hàn Quốc đều được sử dụng tự do mà không cần cho phép, riêng một số loại dữ liệu được sử dụng theo quy định của Giấy phép Chính phủ Mở Hàn Quốc - KOGL.

Hàn Quốc cũng là nước dẫn đầu trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tính khả dụng và khả năng tiếp cận của dữ liệu mở Chính phủ. Từ năm 2014 đến 2017, Hàn Quốc đã đẩy mạnh nhiều chương trình, chính sách để phát triển và ứng dụng dữ liệu mở chính phủ. Theo Báo cáo thị trường ngành công nghiệp dữ liệu do Cơ quan dữ liệu Hàn Quốc (KDA), thị trường dữ liệu Hàn Quốc đã tăng 14.304,7 tỷ won vào năm 2017, tăng 4,0% so với năm 2016. Mức tăng ổn định với tốc độ hàng năm là 7,5% kể từ năm 2010.

Giám đốc Marketing Phạm Đức Tiến, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam

Bổ sung thêm nội dung mới trong Điều 44: Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, ông Phạm Đức Tiến đề nghị bổ sung quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng. Ví dụ như việc yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình. Từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào phát triển kinh tế.

Giám đốc Phạm Đức Tiến cho rằng, hầu hết các nội dung trong Điều 44 đều khá giống với Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, vẫn chung chung và chưa được cụ thể hóa. Do vậy, mặc dù đã gần 2 năm từ khi Nghị định trên được ban hành, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước được công bố vẫn rất hạn chế. Nhiều cơ quan muốn ban hành dữ liệu mở của mình nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, không có văn bản hướng dẫn hay quy định cụ thể về lộ trình ban hành, việc ban hành phải thực hiện với bao nhiêu giai đoạn, trong bao nhiêu lâu, các mốc thời gian cần phải đảm bảo như thế nào để đúng quy định... Dữ liệu mở ở Việt Nam còn mới, nhưng trên thế giới thì phổ biến và được ứng dụng nhiều vô kể.

Trên thế giới, các nước phát triển như Mỹ, Anh đã công bố chính sách về dữ liệu mở từ nhiều năm trước. Năm 2009, Chính phủ Mỹ đã chính thức công bố dữ liệu mở của Chính phủ thông qua cổng dữ liệu Chính phủ (data.gov). Điều này đã trở thành hình mẫu cho việc cải cách chính phủ mở đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo báo cáo của Ủy ban hạ tầng quốc gia Vương quốc Anh, việc công bố dữ liệu cho công chúng có thể giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian tương đương giá trị từ 15 - 58 triệu bảng Anh mỗi năm. Chương trình dữ liệu mở bắt đầu từ năm 2013 được ước tính lợi ích cho nền kinh tế tương đương khoảng 1,8 tỷ Bảng Anh mỗi năm.  

Các quốc gia ở châu Á cũng đã sớm công bố dữ liệu mở. Vào năm 2014, theo số liệu khảo sát của Đại học Waseda - Tokyo Nhật Bản, có 38 quốc gia đã cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua cổng dữ liệu Chính phủ (Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông 2014).

Từ những dẫn chứng nêu trên, chúng ta đã thấy được vai trò của dữ liệu mở Chính phủ, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước với sự phát triển của nền kinh tế số, điển hình qua ví dụ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Quyền sử dụng, quyền tiếp cận dữ liệu mở Chính phủ của họ đều được quy định rõ ràng trong Luật hoặc trong Giấy phép do Chính phủ ban hành.

Đến nay, theo báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020, trên thế giới đã có 80% các nước đã xây dựng Cổng dữ liệu để cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá Chính phủ điện tử của các quốc gia.

Bổ sung thêm nội dung mới trong Điều 43: Kết nối, chia sẻ dữ liệu

Quan tâm đến vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu, ông Phạm Đức Tiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo năng lực hoạt động của hệ thống, cổng thông tin của cơ quan mình, không được cấm người dân và doanh nghiệp truy cập các dữ liệu công khai, dữ liệu mở bằng bất cứ hình thức nào.

Theo ông Phạm Đức Tiến, thời gian qua, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) đã gặp phải vướng mắc về việc khai thác và ứng dụng dữ liệu số của cơ quan nhà nước vào phát triển kinh tế. Cụ thể là trường hợp Phần mềm phân tích thông tin thầu - DauThau.info. Đây là hệ thống phần mềm khai thác và cung cấp thông tin mời thầu dành cho doanh nghiệp. Phần mềm được ra đời theo lời kêu gọi của Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số & khởi nghiệp sáng tạo, Công ty đã tiên phong trong việc đưa các giải pháp khai thác dữ liệu mở & dữ liệu công khai của Chính phủ vào để ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Phần mềm này tập trung vào việc sử dụng, phân tích và xử lý các dữ liệu, thông tin công khai về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhằm tạo ra những báo cáo có giá trị, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn và có giá trị hơn.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh đó là dữ liệu về đấu thầu vốn được công khai theo Luật đấu thầu và được tiếp cận theo Luật Tiếp cận thông tin có quyền hạn sử dụng như thế nào, có được tiếp cận bằng máy hay không. Ông Phạm Đức Tiến cho rằng, ngay cả khi đã có Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước thì việc áp dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã không duyệt hồ sơ thông báo website thương mại điện tử bán hàng www.dauthau.info vì họ cho rằng Phần mềm này tự ý truy cập, sử dụng dữ liệu mà chưa được sự chấp thuận của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, vi phạm Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Trong khi đó, Khoản 6 Điều 5 của Nghị định trên quy định về các nguyên tắc khi chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân như sau:

“a) Tổ chức, cá nhân được quyền khai thác dữ liệu của mình hoặc dữ liệu của tổ chức, cá nhân khác khi được tổ chức, cá nhân đó chấp nhận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b) Các trường hợp ngoài quy định tại điểm a khoản này, dữ liệu của cơ quan nhà nước được chia sẻ cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các quy định pháp luật hiện hành.”

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã áp dụng điểm a theo Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 47. Trong khi đó, dữ liệu đấu thầu vốn đã được công khai theo Luật đấu thầu từ trước đến nay và người dân có thể tự do tiếp cận theo Điều 10, Điều 17, điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin thì giờ lại bị yêu cầu phải xin phép sử dụng.

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số và nhiều doanh nghiệp cũng hưởng ứng bằng cách ứng dụng phần mềm vào lĩnh vực đấu thầu nhưng lại bị cấm sử dụng và vẫn phải tiếp cận thông tin thầu thủ công. Ông Phạm Đức Tiến cho rằng, điều này đang khiến các doanh nghiệp đi ngược lại với tinh thần chuyển đổi số trên cả nước.

Ngoài ra, Giám đốc Phạm Đức Tiến nhận thấy, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể để thúc đẩy giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Trong thực tế, việc ký hợp đồng điện tử giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện, chủ yếu vướng mắc ở phía Kho bạc Nhà nước không chấp nhận giao dịch điện tử. Do vậy, ông Phạm Đức Tiến đề nghị cần bổ sung các nội dung cụ thể để giải quyết vướng mắc nêu trên./.

Bích Ngọc