CẢI CÁCH, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ LÀ ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

05/09/2022

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cải cách, hoàn thiện thể chế là đột phá chiến lược hướng tới phát triển bền vững đất nước.

 

Hoàn thiện thể chế là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa thể chế và phát triển. Trên thế giới, chưa có quốc gia nào (ngoại trừ một vài quốc gia quá giàu tài nguyên thiên nhiên) có thể vươn lên vị trí quốc gia có thu nhập cao mà không có thể chế kinh tế và chính trị mạnh. Mặc dù các quốc gia khác nhau có cách thức tổ chức kinh tế và chính trị không giống nhau, nhưng các dữ liệu nghiên cứu cho thấy rằng có sự tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thể chế với sự thịnh vượng của một quốc gia.

Đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua chỉ rõ: “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một trong ba khâu đột phá. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, việc cải cách, hoàn thiện thể chế luôn được xem là một trong những nội dung trọng yếu trong định hướng phát triển đất nước. Trong ba đột phá chiến lược phát triển bền vững đất nước được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thế chế phát triển tiếp tục được đặt ở vị trí đầu tiên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu cần đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế phát triển, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, lấy cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhằm tạo lập khung khổ pháp lý thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh…; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường…; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…; Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức;

Đại hôi Đảng lần thứ XIII cũng xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới… Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật , thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội… Tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế... Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành…

Ngày 01/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thể hiện sự đổi mới về tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng thể chế. Tại Kết luận 19-KL/TW xác định rõ mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra; trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Vũ Hà - Minh Hùng

Các bài viết khác