TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XỬ LÝ NỢ XẤU, TÀI SẢN ĐẢM BẢO CỦA CÁC KHOẢN NỢ XẤU THEO NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14

31/08/2022

Tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 đến hết ngày 31/12/2023. Để thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 gây đổ vỡ nhiều định chế tài chính, đẩy kinh tế khu vực và kinh tế thế giới vào suy thoái, từ đó ảnh hưởng lớn đến thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong nước; kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ diễn biến bất ổn, thị trường bất động sản, chứng khoán sụt giảm mạnh, trầm lắng kéo dài, tác động bất lợi cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Hoạt động của hệ thống các TCTD ở thời điểm cuối năm 2011 hết sức khó khăn, thanh khoản căng thẳng, nợ xấu - “cục máu đông” của hệ thống các TCTD tích tụ rất lớn, một bộ phận không nhỏ các TCTD trong trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng khả năng chi trả, tiềm ẩn rủi ro gây đổ vỡ hệ thống, tác động đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Kết quả tổng kết, đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa qua cho thấy cơ sở pháp lý đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD thời gian trước khi ban hành Nghị quyết số 42 còn thiếu, chưa đồng bộ. Trước khi Nghị quyết số 42 được ban hành, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát nhưng nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Vì vậy, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, góp phần khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó tăng cường mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Việc xây dựng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như xử lý những vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật; Xử lý các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ của TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý TSBĐ các khoản nợ xấu của TCTD, đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; Xử lý cơ bản và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, dưới 3% tổng dư nợ của hệ thống TCTD, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC.

Nghị quyết số 42 đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu tốt hơn, từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ. Thông qua cơ chế thí điểm, các giải pháp được ưu tiên áp dụng của Nghị quyết số 42 đã tạo điều kiện cho hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu được chủ động hơn, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý tồn tại trong thời gian trước khi có Nghị quyết số 42. Nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC cơ bản được xử lý, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn 2016-2020 luôn được duy trì dưới mức 2%, đạt được mục tiêu đã đề ra khi xây dựng Nghị quyết số 42 (dưới mức 3%); vai trò, năng lực của VAMC được nâng cao. Trong giai đoạn 2020-2021, toàn thế giới trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa, ngừng kinh doanh dẫn đến mất khả năng thanh toán các khoản nợ tại ngân hàng. Với những chính sách tại Nghị quyết số 42, sự giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự hỗ trợ từ phía các bộ, ngành liên quan và những nỗ lực của các TCTD, VAMC, ngành Ngân hàng vẫn đạt được mục tiêu về xử lý nợ xấu, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu, phát triển của hệ thống các TCTD. Theo đó, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế; chất lượng tín dụng được cải thiện; cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực…Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD tạo thêm dòng tiền và thu nhập cho các TCTD, tăng cường năng lực tài chính cho các TCTD. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn các doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất  luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Để thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Theo đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thực hiện năm nội dung.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghi quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Thứ hai, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, Thi hành án dân sự, cơ quan thuế, Tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại tổ chức tín dụng để khách hàng hiểu rõ quyền của tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

Thứ tư, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Thứ năm, tiếp tục nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo về nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có liên quan các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Minh Hùng