Phiên giải trình việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức
Giải trình việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại Phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, các tiêu chuẩn, điều kiện chung và bổ nhiệm viên chức quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Điều 44). Bên cạnh đó, Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng; thủ tục, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định" (khoản 3 Điều 56).
Tuy nhiên, thực tế Bộ GDĐT chỉ quy định về ‘Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn" bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, không quy định thêm về “thủ tục, quy trình bổ nhiệm" do nội dung này đã được quy định chi tiết tại Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP và các địa phương đã cụ thể hoá các quy định này để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp (theo quy định tại Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục). Theo đó, Bộ GDĐT đã ban hành 11 Thông tư thuộc thẩm quyền, 01 Quyết định cá biệt và trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định.
Toàn cảnh Phiên giải trình
Cụ thể, đối với cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông được quy định tại Điều lệ trường học và các Thông tư ban hành Chuẩn Hiệu trưởng các cấp học mầm non, phổ thông. Tiêu chuẩn của giám đốc, phó giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên được quy định tại Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên và Thông tư quy định Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên.
Đối với các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học, tiêu chuẩn Hiệu trưởng trưởng cao đẳng sư phạm thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiêu chuẩn Hiệu trưởng các trường đại học thực thiện theo quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm đối với viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Luật số 08/2012/QH13 Giáo dục đại học (GDĐH), Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH.
Như vậy, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý trong các cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT chỉ ban hành các Thông tư quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Đối với các trưởng Cao đẳng sư phạm và các trường Đại học, Bộ GDĐT không ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền mà thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật GDĐH và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Ngoài ra, để đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm và nâng cao năng lực về nghiệp vụ quản lý giáo dục ban đầu cho đội ngũ cán bộ quản lý, từ năm 2012, Bộ GDĐT đã ban hành các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục đối với cán bộ quản lý giáo dục và quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.
Đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, trong giai đoạn từ 2010 - 2020, các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành có thẩm quyền ban hành các Thông tư “quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ”; quy định “tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức”. Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành có thẩm quyền quy định “tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỷ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý, sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.
Căn cứ thẩm quyền được giao, trong giai đoạn từ 2010-2021, Bộ GDĐT đã ban hành 24 văn bản về việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bao gồm: 17 Thông tư và Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dự bị đại học, cao đẳng sư phạm, đại học; 07 Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
Các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Phiên giải trình
Thảo luận tại Phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đánh giá việc tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành, sự phù hợp của nội dung văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ GDĐT đối với Luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Theo các đại biểu, các văn bản quy phạm pháp luật đã tuân thủ đúng quy định về thẩm quyền ban hành. Các Thông tư và Thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giáo dục, đào tạo không trái các quy định tại Luật và các Nghị định hướng dẫn liên quan.
Các chuyên gia cũng cho biết, quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GDĐT đã thực hiện đúng theo quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đăng tải dự thảo Thông tư lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ GDĐT; lấy ý kiến góp ý của địa phương, gửi xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ gửi Vụ Pháp chế thêm định. Hệ thống các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. ngành Giáo dục, đào tạo đã được Bộ GDĐT ban hành kịp thời, đầy đủ theo thẩm quyền và là căn cứ pháp lý để các địa phương thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế và trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, việc quản lý viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo theo chức danh quản lý. Cụ thể, việc phân cấp tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với ngành giáo dục. Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định số 115) quy định về thẩm quyền tổ chức thăng hạng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I do Bộ quản lý viên chức chuyên ngành thực hiện. Tuy nhiên, thực tế trong ngành Giáo dục hiện nay, việc chúc già chức danh nghề nghiệp hạng 1 có ở các cấp học từ cấp mầm non đến đại học. Do đó, nếu Bộ GDĐT chủ trì thực hiện nhiệm vụ tổ chức thăng hạng, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng I cho nhà giáo trong toàn quốc rất khó khăn và dễ dẫn đến việc thực hiện không kịp thời. Nhưng quy định hiện nay tại Nghị định số 115 chưa cho phép Bộ quản lý viên chức chuyên ngành được phân cấp tổ chức cho các địa phương, cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia cũng cho rằng, các quy định liên tục được điều chỉnh, sửa đổi gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Căn cứ Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/10/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời thực tiễn cho thấy một số nội dung quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục đã không còn phù hợp. Ví dụ, việc quy định nhân viên giáo vụ, thiết bị, thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật chỉ có một hạng chức danh nghề nghiệp, áp dụng 01 bảng lương (loại viên chức A0) tương ứng với trình độ trung cấp/cao đẳng nên không có cơ hội phát triển nghề nghiệp kể cả trong trường hợp có trình độ từ đại học trở lên; việc quy định nhân viên, giáo viên dự bị đại học phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng chưa phù hợp với Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội và quy định về chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở đào tạo; một số vướng mắc trong quá trình thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non phổ thông...