NÂNG CAO NĂNG LỰC QUỐC GIA VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH MẠNG

29/08/2022

Triển khai thực hiện Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và một số Luật, Nghị quyết có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Chiến lược). Trong đó tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

 

Bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị ở Trung ương và địa phương

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Xây dựng lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng hiện đại, chuyên nghiệp

Triển khai thực hiện Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và một số Luật, Nghị quyết có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, Chiến lược bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng. Xây dựng lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng hiện đại, chuyên nghiệp, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chiến lược nêu rõ, an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. An toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do không gian mạng mang lại để phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ động ứng phó từ sớm, từ xa với các nguy cơ, thách thức, hoạt động gây tổn hại tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và an toàn thông tin mạng quốc gia, trong đó cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin. Xác định nguồn lực nhà nước là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân là quan trọng, đột phá.

Đồng thời chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm để thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa an toàn, an ninh mạng (cyber resilience): Từ mô hình bảo vệ phân tán sang mô hình bảo vệ tập trung; từ bị động ứng cứu sự cố sang chủ động dự báo sớm, cảnh báo sớm, phòng ngừa và ứng phó hiệu quả; từ đơn độc bảo vệ, giấu kín thông tin bị tấn công mạng sang chủ động hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chủ động phòng ngừa và hỗ trợ xử lý sự cố, phục hồi hoạt động bình thường của hệ thống thông tin. Thúc đẩy chuyên gia, nghiên cứu, phát triển tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam là giải pháp căn cơ bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia; phát triển thị trường, doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh về an toàn, an ninh mạng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng…Tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Xây dựng hệ thống Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng

Về mục tiêu tổng quát, không gian mạng quốc gia được xây dựng, phát triển văn minh, lành mạnh, là động lực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn, an ninh mạng được nâng cao, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên không gian mạng.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 duy trì thứ hạng 25 đến 30 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (Chỉ số GCI). Xây dựng được hệ thống Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, Internet, dịch vụ nội dung số. Hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có một bộ phận được giao nhiệm vụ làm đầu mối, chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đến năm 2030, Chiến lược đặt ra mục tiêu duy trì, nâng cao năng lực, thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu; xây dựng được Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng với sự tham gia đông đảo, tích cực của quần chúng nhân dân. Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn, an ninh mạng hàng đầu châu Á. Hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới và duy trì doanh thu thị trường an toàn, an ninh mạng hàng năm tăng trưởng từ 10 - 20%...

Xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chiến lược đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; Hoàn thiện hành lang pháp lý; Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; Bảo vệ hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Bảo vệ hệ thống thông tin của các lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin; Tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; Làm chủ, tự chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng; Nâng cao uy tín quốc gia và hợp tác quốc tế; Đầu tư nguồn lực và bảo đảm kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, Chiến lược cũng giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược. Đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong phạm vi quản lý; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật. Gắn kết công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng với công tác triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời chủ động rà soát, phát hiện và xử lý, hoặc phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên môi trường mạng thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, công bố và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…/.

Minh Thành

Các bài viết khác