Theo Bộ Công thương (cơ quan chủ trì soạn thảo), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. Dự án Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.
Vừa qua (chiều 15/8), tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng. Theo đó, dự án Luật cần được nêu rõ là người tiêu dùng cần phải hiểu về các quyền được bảo vệ khi mua sắm hàng hóa như quyền được đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ và các chi phí; các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm có đúng hay không. Mặt khác, trong dự án Luật, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích cho người tiêu dùng chưa được đề cập nên cần được phân tích thấu đáo hơn. Đối với giao dịch đặc thù, trong dự Luật cũng cần tiếp tục làm rõ nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù, trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các giao dịch trên không gian mạng ...
Nhằm bảo về quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bên cung cấp sản phẩm hàng hóa... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ giữa Dự thảo Luật và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, các quy định của Dự thảo Luật phải được đánh giá, cân nhắc kỹ để đảm bảo tính khả thi sau khi đưa Luật vào cuộc sống.
Đồng tình với nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 8/2022, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc luật hóa cụ thể hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là cơ sở tốt nhất để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng dự luật…. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo TS.Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục QLCT - Bộ Công Thương, tiếp tục duy trì hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo mô hình hạt nhân là phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Điều cần nhấn mạnh là muốn nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về bảo vệ QLNTD thì cần có cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan cùng có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, xác định pháp luật Bảo vệ người tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để Nhà nước đảm bảo quyền công dân, quyền của người tiêu dùng cũng như định hướng và điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.”, TS.Đinh Thị Mỹ Loan lưu ý.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải có quy định khái niệm hợp đồng theo mẫu, điều khoản mẫu (điều kiện giao dịch chung) trong quan hệ tiêu dùng một cách rõ ràng, đặc biệt khái niệm hợp đồng theo mẫu cần quy định cho đúng bản chất của quan hệ hợp đồng là phải được hình thành khi có 2 yếu tố là có đề nghị hợp đồng và có sự chấp nhận đề nghị hợp đồng.
“Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng được hình thành trên cơ sở các điều khoản do tổ chức cá nhân kinh doanh đưa ra theo mẫu để người tiêu dùng trả lời trong thời gian hợp lý và người tiêu dùng trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ các điều khoản mà tổ chức, cá nhân đưa ra.”, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh đưa ra khái niệm hợp đồng theo mẫu.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội
Quan tâm đến dự thảo luật, TS.Phan Thị Lan Phương, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội cho biết, việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến hàng hóa khuyết tật, vấn đề thu hồi hàng hóa khuyết tật là vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Cho rằng, quy định tại dự thảo Luật sửa đổi tuy đã có rất nhiều nội dung được chỉnh sửa so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, nhưng khi nghiên cứu về các quy định liên quan đến hàng hóa khuyết tật và thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật vẫn còn hạn chế, TS. Phan Thị Lan Phương đề nghị: bổ sung thêm quy định về định nghĩa của thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật; bổ sung thêm các hình phạt hình sự trong trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng;…
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn
Liên quan đến quyền của người tiêu dùng, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, Khoản 6 Điều 15 của dự thảo Luật quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Khoản 4 điều này quy định nội dung gần tương tự, cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…”. Vậy trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự? Để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một số ý kiến chuyên gia lưu ý cần nghiên cứu, rà soát, làm rõ về cơ chế hợp tác quốc tế để xem xét việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ngoài khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có liên quan của Việt Nam; các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương;…. Đồng thời, cần tiếp tục làm rõ nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù, trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các giao dịch trên không gian mạng và hoạt động bán hàng đa cấp; Nâng cao hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,.../.