ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

18/08/2022

Chiều ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp

Tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội về việc “Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có ý kiến bằng văn bản làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” tại cuộc làm việc với Thường trực Ban soạn thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân theo Thông báo số 1717/TB-VPQH ngày 11/8/2022 của Văn phòng Quốc hội, qua nghiên cứu hồ sơ Dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Ban soạn thảo. Dự thảo Nghị quyết đã được Ban soạn thảo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan, trong đó có ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội - Văn phòng Quốc hội.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là đạo luật đầu tiên quy định riêng về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND). Cùng với hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật này đã có các quy định cơ bản về hoạt động của các chủ thể giám sát của HĐND, tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và điều kiện thuận lợi để HĐND thực hiện tốt động giám sát. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND ở các địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như: Việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu còn hạn chế, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn ít hoặc chưa tổ chức được; một số kiến nghị chưa sát, chưa đề ra được các giải pháp khắc phục triệt để; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan hữu quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động còn chưa rõ ràng...

Để Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phát huy hiệu quả cao hơn, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, bảo đảm các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp thì việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với đa số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể về hoạt động giám sát của HĐND ở những địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền địa phương.

Về công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của các Ban HĐND: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo, theo đó, các Ban chủ trì thực hiện các nội dung của hoạt động giám sát chuyên đề và chủ trì phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện để tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo nhằm sử dụng hiệu quả bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND trong điều kiện tinh giản biên chế.  


Toàn cảnh Phiên cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Về hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã: Theo dự thảo Tờ trình, để giải quyết các bất cập về triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã, Ban soạn thảo dự kiến quy định theo hướng hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã được lồng ghép trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND cấp xã và dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết. Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có ý kiến như sau:

Thứ nhất, Khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định về trách nhiệm chuẩn bị của các Ban HĐND đối với hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND mà không quy định về việc triển khai hoạt động giám sát của các Ban của HĐND. Quy định như vậy là chưa thể hiện được nội dung như Tờ trình đã nêu.

Thứ hai, do dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện nội dung này nên không rõ việc “lồng ghép” sẽ được hướng dẫn thực hiện như thế nào. Trường hợp, “lồng ghép” mà làm mất đi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát chuyên đề độc lập của các Ban HĐND cấp xã là chưa thực sự phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 76 và Điều 80 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Không nên vì ở nhiều nơi các Ban của HĐND cấp xã không thực hiện được hoạt động giám sát chuyên đề mà làm mất đi thẩm quyền giám sát chuyên đề độc lập của tất cả các Ban HĐND cấp xã. Tờ trình đã xác định bất cập của việc khó khăn, lúng túng trong việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã là do số lượng thành viên tham gia Ban HĐND cấp xã ít, HĐND cấp xã không có công chức chuyên trách giúp việc thì cần có biện pháp hoặc hướng dẫn phù hợp mà không nên hướng dẫn thực hiện khác Luật.

Về xác định tính pháp lý văn bản của Tổ đại biểu HĐND: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận thấy việc xác định tính pháp lý văn bản của Tổ đại biểu HĐND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Đây không phải là vấn đề mới, còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều 21 của dự thảo Nghị quyết đã hướng dẫn theo đúng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết.

Về trách nhiệm thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, chất vấn, giải trình và các điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc hướng dẫn các nội dung này trong dự thảo là hết sức cần thiết, đây không chỉ là tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân mà còn của cả các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, do đó, cần phải có giải pháp để khắc phục.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ quy định hoạt động xem xét việc thực hiện các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội mà không quy định trình tự về việc HĐND, Thường trực HĐND xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Do vậy, để có cơ sở quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết (Điều 25 đến Điều 27 của dự thảo Nghị quyết) cần thiết phải bổ sung lập luận có tính thuyết phục để bảo đảm cơ sở pháp lý của việc hướng dẫn tại dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, đề nghị chuyển Điều 26 lên trước Điều 25 để bảo đảm tính logic, để quy định “theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát” trước, sau đó mới báo cáo Thường trực HĐND, tiếp đó báo cáo HĐND xem xét khi các cơ quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung Phiên họp./.

Bích Lan-Phạm Thắng