TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THUẬN LỢI VÀ KHẢ THI THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

17/08/2022

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Quan tâm đến dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả thi thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

 

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều

Kịp thời khắc phục những bất cập thực tiễn đặt ra

Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ Công thương, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. Dự án Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả thi

Góp ý vào dự thảo Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi Chính phủ trình Quốc họi cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (diễn ra vào tháng 10/2022), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi lần này phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả thi thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Theo TS.Phan Thị Lan Phương, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, vấn đề vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như ở Việt Nam hiện nay còn diễn ra nhiều và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, phổ biến là ở các lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, an toàn về thông tin cá nhân của người tiêu dùng, hay sử dụng, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng …

Phân tích về nguyên nhân, TS.Phan Thị Lan Phương cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau để dẫn đến tình trạng này, đầu tiên có thể kể đến nguyên nhân xuất phát từ người tiêu dùng, vẫn còn một bộ phận không hề nhỏ những người tiêu dùng chưa thực sự ý thức được quyền hay còn mang trong mình tâm lí e ngại động chạm, còn từ phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất thì do họ đã đặt lợi ích kinh doanh lên đầu, khiến cho nhiều doanh nghiệp mất đi thiện chí, không tôn trọng khách hàng, né tránh trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền lợi của những người mua hàng.

Ngoài các chủ thể đã được đề cập đến ở trên, cũng không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức, cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng hiện nay các tổ chức này vẫn chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cũng có cả những nguyên nhân xuất phát từ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, trong đó bao gồm cả các quy định về thu hồi sản phẩm, các quy định liên quan đến các hàng hóa khuyết tật vẫn còn khá nhiều bất cập, chưa đầy đủ, sơ sài, chưa rõ ràng, thiếu tính cụ thể và thống nhất.

Nghiên cứu dự thảo Luật, TS. Phan Thị Lan Phương nhận thấy, tuy đã có rất nhiều nội dung được chỉnh sửa so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, nhưng khi nghiên cứu về các quy định liên quan đến hàng hóa khuyết tật và thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật của cả Luật và Dự thảo số 5 vẫn còn một số những vấn đề sau đây cần được cân nhắc, chỉnh sửa và xem xét lại.

Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng, TS.Phan Thị Lan Phương nhấn mạnh, việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật có vai trò rất quan trọng vì điều này có khả năng làm giảm thiểu những thiệt hại, những nguy hiểm mà hàng hóa khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng, trong khi đó các quy định hiện hành lại mới chỉ chủ yếu đưa ra các quy định chống lại các vi phạm quyền của người tiêu dùng chứ chưa thể hiện rõ được việc phòng ngừa.

"Mặc dù dự thảo cũng đã có các quy định về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và trách nhiệm thu hồi hàng hóa khuyết tật trong trường hợp có thể phát hiện ra, nhưng thực chất các quy định này mới chỉ mang tính chất quy định chung chung như là quy định phải áp dụng các biện pháp thu hồi kịp thời chứ chưa chỉ ra các biện pháp cụ thể như thế nào được hiểu là kịp thời và là những biện pháp gì.", TS.Phan Thị Lan Phương cho biết.

TS.Đậu Anh Tuấn, Uỷ viên Ban Thường trực, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI 

Về nội dung này, TS.Đậu Anh Tuấn, Uỷ viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử các quốc gia, được cho xuất hiện lần đầu tiên trong Bộ luật Hammurabi cổ đại. Tổ chức đầu tiên của người tiêu dùng được thành lập ở Đan Mạch năm 1947 và Anh năm 1955 khi Chính phủ nước này thành lập hội đồng người tiêu dùng để tạo điều kiện cho người tiêu dùng bày tỏ ý kiến của họ về các nhà sản xuất và các thương nhân. Tuy đã được hình thành lâu đời như vậy, cho đến nay chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn được các quốc gia và nhiều nhà nghiên cứu nhận định là mảng chính sách phức tạp và việc thực thi không hề dễ dàng.

Theo TS.Đậu Anh Tuấn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đặt trong mục tiêu “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” . Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh và bình đẳng giữa người bán và người mua, trong đó có người tiêu dùng.

TS.Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, liên quan đến giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch (cơ bản là các thông tin về: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến). Do đó, quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người tiêu dùng đồng ý” là chưa phù hợp với các giao dịch trực tuyến. Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ của văn bản, đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 10 dự thảo cụm từ “trừ quy định tại khoản 3 Điều này” để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định.

“Yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (Điều 12 Dự thảo) đang được quy định khá chung chung. Các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết...” chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo. Đề nghị dẫn chiếu hoặc uỷ quyền quy định chi tiết các nội dung này”, TS.Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS.Đậu Anh Tuấn Để lưu ý, để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, đề nghị cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ.

Mặc dù còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện đảm bảo dự thảo Luật đạt chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội, các chuyên gia cũng ghi nhận những điểm sửa đổi, bổ sung tích cực tại dự thảo lần này. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết, “Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”, là một trong 6 vấn đề được xác định ngay từ Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, đồng thời được quy định tại 1 Chương của Dự thảo, gồm 21 điều luật, tăng 4 điều so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành năm 2010.

Theo đó, Điều 7 về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” của Dự thảo đã có những quy định yêu cầu bảo vệ cao hơn so với người tiêu dùng nói chung. Cụ thể, người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và người bị bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, dự thảo đã rất chú trọng đến việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân, đặc biệt là việc bổ sung 6 trường hợp không bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng dẫn đến vô hiệu hợp đồng, trong đó có một nội dung rất quan trọng là giao quyền cho cơ quan giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế và sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo chuyên gia với kỳ vọng việc sửa đổi Luật sẽ kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay; hướng tới đảm bởi tốt nhất quyền và lợi ích của người tiêu dùng đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương./.

Lê Anh