KHÔNG BỎ SÓT CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

16/08/2022

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì cùng cơ quan soạn thảo cần phối hợp để làm rõ hành vi bạo lực gia đình, đảm bảo quyền công dân nhưng tránh bỏ sót hành vi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; bên cạnh đó một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình có thể đan xen lẫn nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp các hành vi bạo lực gia đình. Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không, chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và đồng thời những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt hơn. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho giữ quy định khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 đã thu hẹp nhóm đối tượng, chỉ áp dụng đối với “người đã ly hôn” và “người chung sống với nhau như vợ chồng”. Trong khi trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng cần áp dụng quy định của Luật này. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất chỉnh lý khoản 2 Điều 3 như trong dự thảo Luật.

Không bỏ sót các hành vi bạo lực gia đình

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường bày tỏ băn khoăn quy định về các hành vi bạo lực gia đình. Tại khoản e Điều 3 nêu rõ, “ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh” là hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, khi thảo luận tổ có ý kiến đại biểu chỉ ra việc có con, cháu 16 - 17 tuổi cuối tuần không chịu đi học mà định cùng nhóm bạn đi chơi, đi phượt song gia đình không cho. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đặt câu hỏi, khi gia đình không cho đi nếu con cháu tố cáo là bị bạo lực gia đình thì có đúng không?

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về vưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu thực tế, rất nhiều bố mẹ, gia đình ngoài việc học chính thống ở trường sẽ bắt con đi học thêm suốt. Vậy những hành vi đó nếu người con tố cáo, nhất là việc mẹ thường xuyên đưa con đi học thì có phải hành vi bạo lực gia đình không?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Dự thảo Luật này cũng quy định việc cưỡng ép thành viên đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng được coi là bạo lực gia đình.

Về điều này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, ở nước ngoài dù là vợ chồng nhưng không thể biết, không thể kiểm soát thu nhập lẫn nhau, chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng. Ở Việt Nam, vợ chồng có là tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng nữa thì có bị bạo lực gia đình hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, các vấn đề trên là những thực tế đặt ra mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tính toán cho thấu đáo.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, những vấn đề liên quan đến hành vi bạo lực rất khó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã cố gắng để nhận diện, cơ bản bao quát được tình hình, diễn biến các hành vi bạo lực gia đình để quy định trong Dự Luật. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để các quy định trong Dự Luật bảo đảm tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động giữa Ủy ban Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện trình tài Kỳ họp thứ 4.  

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tiếp thu đầy đủ khi tiến hành luật phải rà soát đạt mục tiêu bám sát mục tiêu ban đầu khi tiến hành sửa luật, luật ban hành phải khả thi, đảm bảo sự tương thích thống nhất giữa các chương điều trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì cùng cơ quan soạn thảo cần phối hợp để làm rõ hành vi bạo lực gia đình, đảm bảo quyền công dân nhưng tránh bỏ sót hành vi./.

Thu Phương