THAM VẤN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VỀ NGHIÊN CỨU, ĐỒNG BỘ HÓA CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

05/08/2022

Chiều 05/8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến chính sách dân tộc...

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Nguyễn Lâm Thành, Quàng Văn Hương, Đinh Thị Phương Lan; các Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Leo Thị Lịch, Bế Trung Anh, Lê Nhật Thành, Tráng A Dương; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà.

Về phía các bộ, ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Y Vinh Tơr, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hằng, đại diện Vụ Văn hóa - Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp cùng các chuyên gia.       

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành và Phố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đồng chủ trị Hội thảo.     

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, đây là Đề án rất khó, chưa từng có tiền lệ, phạm vi, đối tượng nghiên cứu rộng, phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Quá trình chuẩn bị cho Hội thảo gặp nhiều khó khăn, nhất là tổng hợp, thu thập, phân loại tài liệu liên quan đến chính sách dân tộc. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu rõ, xác định tên gọi, phạm vi, đối tượng, nội dung của Đề án có nhiều cách hiểu, chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách pháp luật gồm những gì, xác định đúng nội hàm khái niệm “chính sách dân tộc” làm căn cứ nhận diện các văn bản quy định liên quan chính sách dân tộc….

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương khẳng định, mục tiêu xây dựng Đề án nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về chính sách dân tộc, hệ thống hóa các chính sách dân tộc để tiếp tục hệ thống hóa nội dung còn thiếu, còn chưa đầy đủ, làm cơ sở định hướng để xây dựng Luật Dân tộc và ban hành các chính sách dân tộc trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương mong muốn thống nhất về nhận thức, cách làm, phát huy trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, bộ ngành và các chuyên gia để xây dựng Đề án có chất lượng. Đồng thời đề nghị các bộ ngành, đơn vị phối hợp với Hội đồng Dân tộc để xây dựng báo cáo chuyên đề của Đề án, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội vào tháng 12 năm 2022.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mục tiêu của Đề án “Nghiên cứu đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013” là nhằm thống nhất thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong viêc ban hành các chính sách dân tộc (chính sách khung, chính sách cụ thể). Đồng thời khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, kém hiệu quả của chính sách dân tộc; hệ thống hóa các chính sách dân tộc theo các lĩnh vực để tiếp tục thể chế các nội dung (còn thiếu hoặc đã có nhưng chưa đầy đủ) theo Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Làm cơ sở cho định hướng xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc và ban hành chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Về các quan điểm cơ bản, Đề án phải bảo đảm thể chế hóa toàn diện, đồng bộ, thống nhất theo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời phù hợp với xu thế phát triển chung, bảo đảm các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Nhà nước bố trí nguồn lực đáp ứng theo các chính sách dân tộc đã ban hành; trước mắt tập trung vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về nhiệm vụ của Đề án, Quốc hội thực hiện quyền quyết định chính sách dân tộc theo khoản 5 Hiến pháp năm 2013. Chính phủ thực hiện việc đồng bộ hóa chính sách dân tộc, trong đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc quy định trong các văn bản ban hành bảo đảm rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, rõ đối tượng; xây dựng các chính sách dân tộc trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung nghiên cứu “đồng bộ hóa” chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành theo Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Trong đó, góp ý, thảo luận về khái niêm “đồng bộ hóa”, sự giống nhau và khác nhau giữa “đồng bộ hóa” với “hệ thống hóa”; nội dung nhiệm vụ “đồng bộ hóa” chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành gồm những nhiệm vụ gì, so sánh nhiệm vụ “đồng bộ hóa” với “hệ thống hóa”, “pháp điển hóa” chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi về khái niệm “chính sách dân tộc” và cách xác định văn bản có quy định liên quan đến chính sách dân tộc, về danh mục các chuyên đề của Đề án, về đề cương Đề án, đề cương báo cáo chuyên đề.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban Dân tộc trình bày về thực trạng chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành. Đồng thời đặt ra sự cần thiết đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. TS. Nguyễn Cao Thịnh cho biết, từ năm 2011 đến nay, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc được thể hiện rất cơ bản trong Nghị quyết các kỳ Đại hội, bên cạnh đó còn có Kết luận số 65KL/TW, ngày 30/10/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới.

Nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật về công tác dân tộc đa dạng về chủ thể ban hành; đa dạng về mục tiêu, nội dung, lĩnh vực; đa dạng về hình thức văn bản; đa dạng về đối tượng chính sách; đa dạng về các cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện chính sách và đa dạng về thời điểm, thời gian thực hiện…

TS. Nguyễn Cao Thịnh nhấn mạnh, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 là dựa trên nền tảng lý luận, manh tính tất yếu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các quốc gia. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ phải được thực hiện nhằm triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời TS. Nguyễn Cao Thịnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chính sách dân tộc hiện nay như thực trạng đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường vùng DTTS&MN đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức (nghèo nhất, cơ sở hạ tầng kém nhất; nguồn nhân lực thấp nhất, văn hoá mai một, đứt gãy; đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, môi trường suy thoái...). Do đó, chính sách pháp luật để giải quyết các vấn đề trên cần phải đồng thời đa mục tiêu, đa lĩnh vực, dẫn đến yêu cầu đồng bộ là bắt buộc, nếu không đồng bộ thì khó tạo ra động lực tốt nhất để phát triển.

Có ý kiến đại biểu băn khoăn việc xây dựng khung chính sách về chính sách dân tộc, sau đó tiến tới xây dựng Luật Dân tộc, hiểu như vậy có đúng không. Đề nghị cần có nghiên cứu chung thế nào là chính sách dân tộc. Về danh mục các chuyên đề của Đề án, có ý kiến đề nghị có thêm nhóm bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh đó, nên chăng có thêm chuyên đề Nhóm giảm nghèo đa chiều, nhóm giảm nghèo bền vững… Về Nhóm các lĩnh vực xã hội, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm nhóm chuyên đề đảm bảo ổn định dân cư, tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, không nên đưa tín ngưỡng, tôn giáo vào chuyên đề an ninh, quốc phòng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia rất tâm huyết, sâu sắc và xác đáng. Nhiều vấn đề đã được thống nhất, cách tiếp cận đã rõ. Về tên gọi, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành thống nhất vẫn giữ tên Đề án như hiện tại là “nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”, bảo đảm theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Theo đó khi xem xét về nội dung, giới hạn là các Nghị quyết của Đảng và các văn bản của Bộ. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, giới hạn lại phạm vi của Đề án và danh mục chuyên đề cần cụ thể hơn để triển khai trong bối cảnh thời gian không còn nhiều. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm định hướng chính sách dân tộc trong thời gian tới vào đề cương Đề án./

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, giới hạn lại phạm vi của Đề án và danh mục chuyên đề cần cụ thể hơn để triển khai. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm định hướng chính sách dân tộc trong thời gian tới vào đề cương Đề án.

TS. Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban Dân tộc trình bày về thực trạng chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành. Đồng thời đặt ra sự cần thiết đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho rằng, dựa vào thực tiễn bất cập hiện nay giữa hệ thống chính sách dân tộc, cần chỉ ra nội hàm và mối quan hệ cần thiết, cơ bản mà khái niệm đó bao trùm. Hay khái niệm "đồng bộ hóa" và "hệ thống hóa" hoàn toàn khác nhau, tiêu chí nào để phân loại khái niệm này....

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Văn Tiên băn khoăn mục đích đồng bộ hóa đề làm gì, cần chỉ ra được tồn tại, hạn chế thời gian qua do không có văn bản chuẩn chỉ nào quy định về chính sách dân tộc. Đồng thời cho rằng, đề án này khó vì có rất nhiều chính sách thì có đánh giá được hay không, nhận xét, đánh giá dựa vào đâu?

Thượng tướng, TS. Bùi Thanh Hà, Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ Công an đề nghị làm rõ nội hàm 2 khái niệm “đồng bộ hóa”, “hệ thống hóa”.

GS.TS Đỗ Kim Chung, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề cập đến bố cục của đề cương Đề án và khẳng định, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách pháp luật theo các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 là cần thiết.

Bích Ngọc - Minh Hùng

Các bài viết khác