Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Luật Điện ảnh (sửa đổi) có bố cục gồm 8 Chương, 50 Điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh.
Luật quy định Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, bổ sung chính sách nhà nước, đầu tư cho sáng tác kịch bản phim.
Luật quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng như: Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch uỷ quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật này; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện tự phân loại phim.
Luật bổ sung quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, việc phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh theo thẩm quyền (điểm i khoản 2 Điều 45); bổ sung quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh trên địa bàn quản lý (khoản 2 Điều 47); bổ sung quy định đối với tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số; tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Luật quy định mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ. Hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài. Hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển điện ảnh…
Về nguyên tắc hoạt động điện ảnh, Luật quy định: Xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân và hội nhập quốc tế; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm tính nhân văn, thẩm mỹ và giải trí; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ của pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh...
Đáng chú ý, tại phiên họp, khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21) còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ 1: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp “tiền kiểm” với “hậu kiểm”.
Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.
Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Loại ý kiến thứ 2: Một số cơ quan và đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện biện pháp “tiền kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Theo đó, tất cả phim trước khi phổ biến trên không gian mạng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Sau phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ 1 (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp.
Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực ngày 01/01/2023./.