Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Trình bày Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trải qua gần 05 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Việc thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) nếu không được tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Do đó, cần thiết phải tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 mang lại nhằm đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, tránh những tranh chấp phát sinh trong thực tiễn.
Thẩm tra việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách tại Nghị quyết số 42 phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Vì vậy, các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, trong đó cần nghiên cứu khả năng luật hóa các chính sách trong Nghị quyết số 42 để tạo hành lang pháp lý vững chắc về xử lý nợ xấu. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, có thể tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả thời gian qua.
Bên cạnh đó, trường hợp Nghị quyết số 42 hết hiệu lực mà chưa kịp ban hành khuôn khổ pháp lý mới về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu do thiếu các cơ chế, chính sách, tồn tại các khoản nợ xấu đang được xử lý mà không được tiếp tục áp dụng các cơ chế sẽ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của dịch COVID-19; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng; tránh ảnh hưởng lớn, không thuận đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; góp phần hoàn thiện, tăng hiệu lực, hiệu quả thể chế theo yêu cầu tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tạo tâm lý tin tưởng của Nhân dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng, hệ thống tài chính quốc gia; tiếp tục khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị thuyết minh kỹ hơn về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết vì còn có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để; đồng thời cần dự liệu những vấn đề có thể phát sinh khi kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm, tránh việc không thể giải quyết dứt điểm đối với các khoản nợ xấu. Có ý kiến cho rằng, việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết cần gắn với thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết số 42, bảo đảm tính liên tục cũng như xử lý hiệu quả nợ xấu là vấn đề luôn hiện hữu của nền kinh tế.
Đánh giá về hồ sơ và trình tự, thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hồ sơ về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đã cơ bản đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 và Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan về nội dung này chưa bao quát hết các chủ thể liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Có ý kiến đề nghị Báo cáo đánh giá tác động của chính sách cần phân tích kỹ hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 có ảnh hưởng tới việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.
Ngoài ra,về trình tự, thủ tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 19/2022/UBTVQH15 ngày 21/4/2022 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp đối với nội dung kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42. Như vậy, việc báo cáo Quốc hội xem xét và thông qua tại 01 kỳ họp (tháng 5/2022) đối với nội dung này là phù hợp, bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.