KHÔNG SIẾT CHẶT THỊ TRƯỜNG NHƯNG TĂNG CƯỜNG THANH KIỂM TRA, THEO DÕI TÍNH THANH KHOẢN

09/06/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, một trong những nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.

 

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Các sai phạm thị trường chứng khoán có phần trách nhiệm cán bộ Bộ Tài chính

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp trong quản lý, điều hành với một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã nỗ lực hết sức mình và nhờ đó đã ngăn chặn và đã xử lý một số sai phạm làm cho thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn. Bộ trưởng nêu rõ, từ năm 2021, từ tháng 4 - tháng 9, Bộ Tài chính đã ra 5 thông cáo báo chí về vấn đề rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đã trả lời nhiều báo và đài về vấn đề này để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán. Ngày 1/9, Bộ đã ra công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan tiến hành thanh tra và đến ngày 3/12 tăng cường thanh tra nhằm phát hiện sai phạm để xử lý. Đến ngày 1/4 , Bộ đã thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với các công ty chứng khoán và phát hiện nhiều sai phạm. Bộ đã chuyển sang cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là một bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm. Do đó, vừa qua, Bộ đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ lãnh đạo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán là bị cách chức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chứng khoán HoSE bị cách chức, còn lại Giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán và Chủ tịch Công ty chứng khoán Việt Nam bị cảnh cáo và xử lý. Các vụ việc này liên quan đến trách nhiệm như trong ban hành các quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ hoặc để cho nghẽn mạng công nghệ thông tin ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát; hoặc khi phát hiện sai phạm ra thì xử phạt hành chính nhưng không đưa ra các quyết định bổ sung là hủy giao dịch chứng khoán. Với những sai phạm này, Bộ đã xử lý theo luật và củng cố cơ quan quản lý đối với lĩnh vực chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đầu từ những dòng tiền bất thường

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, thị trường chứng khoán nước ta hiện nay giá trị vốn hóa hay giá trị thị trường gấp nhiều lần giá trị tài sản lúc IPO phát hành lần đầu. Sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá cả và giá trị thực và gọi nôm là bong bóng chứng khoán. Tình trạng này làm tăng xuất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, tăng hệ số ICOR của nền kinh tế, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay; đề nghị cho biết Bộ có công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán và giải pháp để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, thời gian qua thị trường chứng khoán chúng ta trong thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt. Tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ năm 2016-2021 khoảng 26%, đến cuối năm 2021 thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu đã đạt được 92,5% GDP của năm 2021, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15% GDP.

Bộ trưởng cho biêt, thị trường trái phiếu là một kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn và cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Trong lịch sử của phát triển kinh tế thế giới thì các quốc gia tiên tiến hiện nay đã có trên 500 năm về thị trường chứng khoán. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu từ năm 2000 đến giờ là khoảng 22 năm cũng đang rất non trẻ, nhưng từ đấy cũng đã thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán và sức mạnh của doanh nghiệp. Bộ trưởng chia sẻ thị trường chứng khoán giống như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, thể hiện sức mạnh của nền kinh tế thay.

Khẳng định thị trường nước ta được đánh giá tốt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thời gian vừa qua xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán, như thao túng cổ phiếu hay đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu, v.v.. Theo đó, cá nhân đưa thông tin sai sự thật, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi sau đấy đột ngột bán đi, khi bán không báo với cơ quan quản lý nhà nước, v.v hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đưa thông tin sai lệch, dùng công ty này để phát hành cho công ty kia rồi lại dùng công ty kia để hợp đồng đầu tư vốn với nhà đầu tư tiếp…Bộ trưởng chỉ rõ đây là những hành vi vi phạm trật tự kinh tế và vi phạm Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan thì phải xử lý nghiêm.

Trước tình hình này, Bộ đã tiến hành cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư, đồng thời đã trình với Chính phủ sửa lại Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp, các biện pháp để thực hiện vấn đề minh bạch đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, đề nghị với Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán quy định rõ điều kiện phát hành, như doanh nghiệp phát hành phải có vốn chủ sở hữu, nợ trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, mục đích phát hành và phải tuân thủ mục đích phát hành với cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn 

Đồng thời, Bộ đã có những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra và đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ về phát sinh, đồng thời bắt công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu. Đối với trái phiếu riêng lẻ, Bộ sẽ thiết lập một kênh, một sàn riêng để theo dõi. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, bắt đầu từ những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường thì sẽ được kiểm tra và xử lý. Thông qua vấn đề kiểm tra phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền, từ đó chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm.

Không hạn chế trái phiếu doanh nghiệp nhưng phải đúng luật, minh bạch

Liên quan đến nhiều vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề có phải một phần nguồn cơn là từ sự yếu kém, bất cập của các cơ quan chức năng và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là "không quản được thì cấm" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay không có một chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc một lần nữa khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, phải minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế.

Bộ trưởng cũng cho biết, quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ ban hành thì đến năm 2025 đạt được 20% và đến năm 2030 đạt được 25% thì hiện nay vẫn đang ở trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của nước ta huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc so sánh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của ta với các nước là khập khễnh. Vì các nước có lịch sử rất lâu đời rồi, trong khi thị trường nước ta còn rất sơ khai. Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra vấn đề, nếu năm 2020 tăng trưởng thị trường khoảng hơn 4% GDP nhưng đến 2021 tăng đột biến lên 15% GDP, trong khi đó mục tiêu chúng ta đến 2025 chỉ có 20%. Cùng với đó là có những sai phạm xảy ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải rà soát lại xem chính sách, pháp luật có gì bất cập và sơ hở gì? Tới đây hoàn thiện chính sách pháp luật như thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ra sao?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù cơ quan nào cũng nói rằng không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhưng trong thực tế 4, 5 tháng đầu năm nay hầu như không có phát hành và những vấn đề liên quan đến nợ đến hạn của một số các trái chủ, những người phát hành trái phiếu Chính phủ thì khả năng khi đến hạn phải trả của năm nay rất lớn, thanh khoản của lĩnh vực là vấn đề cần phải làm rõ.

Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối năm 2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 18,2%, tức là gần 51 tỷ USD quy đổi ra. Nếu so với 2018 thì quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng gấp 3 lần. Đại biểu đặt vấn đề phải chăng vừa qua đã có sự buông lỏng và phải chăng những cảnh báo của Bộ Tài chính như Bộ trưởng đã nói là không có hiệu quả.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết thêm, qua thanh tra có  Bộ Tài chính cho thấy,  trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm vừa qua có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Trong số 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm vừa qua thì có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất cao là gần 13%, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu gấp 47 lần, có công ty phát hành gấp 28 lần.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, điều quan trọng nhất là có giải pháp quản lý sao cho trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như là khủng hoảng nhà đất của nhiều năm trước đây và việc này liên quan cả ngành ngân hàng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Trả lời ý kiến của đại biểu, trước lo ngại rủi ro từ các trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, còn lại ý các doanh nghiệp đến hạn đều trả được nợ, có nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp này vẫn chu chuyển một cách bình thường.

Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan hành pháp, Bộ phải thực hiện theo đúng luật pháp, căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Theo đó, liên quan đến trái phiếu phát hành thì cơ quan nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý. Lý giải điều này, Bộ trưởng cho biết trước đây khi thảo luận luật có quan điểm đây là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, do doanh nghiệp phát hành, do doanh nghiệp vay trả, Nhà nước không gian thiệp vào. Sau đó, khi quy mô lên quá nhiều mới đặt vấn đề là cơ quan nhà nước phải quản lý. Mặt khác, trong Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện phát hành cần phải là doanh nghiệp có lãi hay cần có tài sản đảm bảo, cho nên trong Nghị định 153 không thể quy định được điều kiện phát hành./.

Bảo Yến