GIAO BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI PHIM

08/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị văn bản quy định về tiêu chí phân loại phim nên giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành để đảm bảo tính chuyên ngành và có thể chỉnh sửa, cập nhật linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phân loại phim, nhiều ý kiến đề nghị có tiêu chí phân loại phim rõ ràng, minh bạch, giao Chính phủ quy định tiêu chí phân loại phim, kiến nghị quy định tiêu chí phân loại phim ngay tại Luật. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim rõ ràng, cụ thể, áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và dễ áp dụng trong phân loại phim. Các cơ sở sản xuất, phát hành và phổ biến phim cũng căn cứ vào tiêu chí phân loại phim để xác định loại hình, không để vi phạm nội dung điều cấm đối với phim định sản xuất, nhập khẩu, phổ biến. Căn cứ tình hình thực tế, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị văn bản quy định về tiêu chí phân loại phim nên giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành để đảm bảo tính chuyên ngành và có thể chỉnh sửa, cập nhật linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị ngoài phân loại theo độ tuổi, bổ sung tiêu chí phân loại theo thể loại, thời lượng, hình thức phổ biến phim. Có ý kiến đề nghị bổ sung loại phim phổ biến đến người xem từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, loại phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên. Có ý kiến đề nghị quy định 3 mức phân loại: phổ biến đến mọi độ tuổi người xem, từ đủ 18 tuổi trở lên và không được phép phổ biến. Có ý kiến đề nghị việc hiển thị phân loại phim phải theo thông lệ quốc tế. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Về những vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều cách phân loại phim khác nhau (theo thể loại phim, thời lượng phim, hình thức phổ biến phim, độ tuổi khán giả xem phim,…). Qua nghiên cứu cho thấy, phân loại phim theo độ tuổi người xem được nhiều quốc gia áp dụng, làm căn cứ phân loại phim phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi để phổ biến phim đến người xem. Các mức phân loại phim, ký hiệu phân loại phim như dự thảo Luật là dựa trên cơ sở thực tiễn, căn cứ pháp luật về trẻ em, dân sự, hình sự; bảo đảm phù hợp với văn hóa, tâm sinh lý người Việt Nam và xu thế chung của thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ quy định cụ thể về việc hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo thông lệ quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý ký hiệu phân loại phim để hiển thị phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế và bổ sung cụm từ “áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim” như Điều 32 dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Về mức phân loại phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên, hiện có một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… đang áp dụng gắn với một số điều kiện đi kèm là có hệ thống rạp chuyên biệt, chế tài kiểm soát nghiêm ngặt. Đối với Việt Nam, quy định phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên và phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên rất khó triển khai trong thực tế. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quy định như dự thảo Luật.

Đối với nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định khái quát trách nhiệm của các Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Điều 46, trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh; các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh tại địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc “định hướng phát triển cơ sở điện ảnh trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao” vì việc quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao đã được tích hợp vào quy hoạch chung của địa phương. Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Điều 14 Luật Quy hoạch, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thuộc danh mục quy hoạch ngành quốc gia, do Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập. Do đó, quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp pháp luật và thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc “xây dựng, ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển điện ảnh phù hợp với thực tế tại địa phương” tại điểm a khoản 2 Điều 47; lược bỏ quy định trường quay “nằm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao” tại khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một điều hoặc một khoản về xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh; bổ sung quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bồi thường thiệt hại, truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, dự thảo Luật đã có một số quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh tại điểm i khoản 2 Điều 45 và điểm e khoản 2 Điều 47; quy định về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh tại Điều 9 để làm căn cứ xử lý vi phạm. Hơn nữa, pháp luật hiện hành về hình sự, dân sự, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính... đã quy định cụ thể về xử lý vi phạm lĩnh vực văn hóa nói chung, hoạt động điện ảnh nói riêng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định cụ thể các nội dung này tại Luật Điện ảnh để bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lặp.

Minh Hùng