Đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho biết, những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua rất đáng trân trọng trong bối cảnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định như hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, với bối cảnh hiện nay rất dễ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các kịch bản để thích ứng với bối cảnh, tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực.
Theo đại biểu, xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam, năm 2021 đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh việc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng đang tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp trong nước nhìn chung vẫn chưa đủ mạnh để tham gia sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, nếu doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng có sự phát triển toàn diện, nền kinh tế Việt Nam sẽ rất dễ bị tổn thương nếu các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
Mặt khác, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng cần điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật, công nghệ, phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế dựa trên thành tựu mới về kỹ thuật, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đại biểu, cùng với tính ưu việt của quan hệ sản xuất, vấn đề thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vị thế cao, giá trị gia tăng lớn phải dựa trên trình độ sản xuất ngày càng cao trên cơ sở đổi mới sáng tạo và tiến bộ khoa học công nghệ. Vì vậy, trong quá trình thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cần chú ý hài hòa về lợi ích, nhu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.
Cùng với đó, đại biểu Siu Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chi đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển khoa học công nghệ và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kinh phí Nhà nước đầu tư tập trung cho việc xây dựng và hoàn thiện giải pháp, triển khai thực hiện các mô hình mới, mô hình điểm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí để nhân rộng các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu. Trong đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành giai đoạn tiếp theo sau khi đề tài kết thúc để tiếp tục hỗ trợ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2016-2021, phần ngân sách chi cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ không được báo cáo thống kê cụ thể, nhất là số chi đầu tư phát triển khoa học công nghệ tại địa phương. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 62 Luật Đầu tư công, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp. Như vậy, việc không báo cáo đầy đủ số liệu chi đầu tư phát triển khoa học công nghệ hàng năm là không đúng với quy định của pháp luật. Do đó không có căn cứ để đánh giá hiệu quả của đầu tư cho khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc đánh giá hiệu quả đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong báo cáo kinh tế-xã hội, việc đánh giá kết quả đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ mới chỉ dừng lại ở liệt kê chung chung, còn thiếu các phân tích định lượng, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Trong 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm cũng không có chỉ tiêu về khoa học công nghệ.
Từ những thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước cho chương trình nhiệm vụ khoa học trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ giai đoạn này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tình hình thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo Điều 40 Luật Khoa học và Công nghệ. Đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ số liệu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát. Cùng với đó thanh tra toàn diện việc tổ chức thực hiện nghiệm thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu thuộc các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021 báo cáo Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư cho khoa học, công nghệ, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học, công nghệ. Trước mắt cần bổ sung phụ lục chỉ tiêu về khoa học, công nghệ trong Báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong tổ chức thực hiện./.