Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đối với chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách đột phá để phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; các chính sách phải cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, khả thi; nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị có chính sách đầu tư cho sáng tác kịch bản phim, hoạt động lý luận, phê bình, tuyên truyền, giới thiệu, định hướng thẩm mỹ điện ảnh; bổ sung đề tài về biển đảo, biên giới, văn hóa truyền thống, thanh thiếu niên; khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức, tham gia liên hoan, cuộc thi phim.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế; đồng thời, vận hành như một ngành kinh tế tổng hợp, tuân theo các quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, công nghiệp điện ảnh là một lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Xu thế phát triển của công nghiệp điện ảnh trên thế giới còn nhiều thay đổi khó lường dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 và các yếu tố thiên tai, dịch bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quy định chung Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với hoạt động điện ảnh; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh tại Điều 6 (dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2) về khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ tại khoản 2 Điều 5 để bảo đảm tính logic, thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện. Đồng thời, rà soát, bỏ chính sách trùng lặp, không phù hợp.
Toàn cảnh phiên họp
Ngoài ra, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bỏ nội dung về kinh doanh dịch vụ phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại mục 192 thuộc Phụ lục IV - Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (Điều 48 dự thảo Luật).
Về đề nghị cụ thể hóa các chính sách Nhà nước ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai, giảm giá, miễn thuế hoặc ưu đãi đối với đối tác nhập khẩu phim Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu quy định rõ hơn ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai sẽ tăng tính khả thi, tạo thuận lợi cho phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các quy định này được quy định cụ thể tại các luật thuế, luật đầu tư, luật đất đai… Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định như dự thảo Luật để thống nhất định hướng chính sách phát triển điện ảnh, tạo cơ sở sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong thời gian tới.
Đối với ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ hơn nội dung chính sách phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh; có chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất phim, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, phát triển nguồn nhân lực điện ảnh có vai trò, ý nghĩa quan trọng; là một trong những mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 6 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chú trọng, tập trung phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh; đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực điện ảnh đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp điện ảnh. Dự thảo Luật cũng đã đưa ra một số biện pháp ưu đãi nhằm thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (Điều 41).
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần có chính sách đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực tham gia vào phát triển điện ảnh, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật, bổ sung quy định thể hiện Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động điện ảnh (khoản 4 Điều 5), trong đó có quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo lãnh, thế chấp quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm bảo hiểm để phát triển điện ảnh nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài sản, quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ để phát triển điện ảnh, phù hợp xu hướng của các quốc gia trên thế giới, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực điện ảnh, có vốn đầu tư lớn, tính mạo hiểm và rủi ro cao.
Đồng thời, đối với một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, việc xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, việc xây dựng trường quay hiện đại cần kinh phí lớn, trong tình hình hiện nay rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội. Hơn nữa, để bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả đầu tư các trường quay, cần có cơ chế gắn kết trường quay với các hoạt động du lịch, giải trí. Do vậy, quy định như dự thảo Luật cho phép trong từng trường hợp cụ thể Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng trường quay gắn với du lịch, giải trí. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng trường quay là chính sách chung được Nhà nước khuyến khích thực hiện.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống rạp chiếu phim hoặc điểm chiếu phim gắn với các thiết chế văn hóa khác. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển khoa học, công nghệ đòi hỏi ngành điện ảnh phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong tất cả các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu trữ, lưu chiểu phim; đồng thời, phải có sự đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, trong đó có rạp chiếu phim. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các nội dung này tại điểm e, điểm h khoản 2 Điều 5 và điểm c khoản 2 Điều 47.