Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nêu rõ, khi tiến hành sửa luật này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh “sửa đổi lần này, khen thưởng phải đảm bảo bao quát hết các đối tượng”. Tư tưởng đó đã được thể hiện tại điểm d khoản 1 Điều 5 nguyên tắc thi đua khen thưởng, chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi quy định các hình thức khen thưởng ở hình thức Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tại khoản 2, khoản 3 các Điều 42, 43, 44 và Điều 72 quy định trao tặng đối với công nhân, nông dân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân nhưng không có các đối tượng là những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh khác. Đại biểu cho rằng, những người sản xuất, kinh doanh khác như những tiểu thương, tiểu chủ, những người buôn bán nhỏ,… không phải là công nhân, nông dân, không thuộc doanh nhân, không phải trí thức mà thuộc nhóm những người lao động khác. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung “những người lao động khác” vào dự thảo Luật để bao quát hết các đối tượng.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Về tiêu chuẩn tặng Bằng khen nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả ổn định từ hai năm trở lên, có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện trở lên và giúp đỡ hộ nông dân khác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị nghiên cứu, bổ sung việc giúp đỡ các hộ nông dân khác làm giàu, phát triển kinh tế, không nên bó hẹp trong việc xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 4 Điều 72 quy định đối với tiêu chuẩn tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn này để vừa đảm bảo chất lượng thi đua, khen thưởng, vừa phù hợp thực tiễn tại các địa phương. Theo đại biểu, tiêu chuẩn trong dự thảo Luật khó thực hiện trong thực tiễn. Các sở, ban, ngành tỉnh, huyện đều nằm trong khối thi đua cấp tỉnh. Việc xét và suy tôn các danh hiệu thi đua hàng năm nằm trong tỷ lệ được giao cho từng khối thi đua nên việc một cơ quan, đơn vị, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc trong 5 năm liên tục là hết sức khó khăn, vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy định này.
Cùng với đó, đối với tiêu chuẩn tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị xem xét bổ sung quy định tiêu chuẩn khen thưởng có điều kiện tương tự như quy định tại điểm d Điều 74 để không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân và phù hợp với thực tế, đảm bảo tính kế thừa trong xây dựng luật. Lý giải về vấn đề này, đại biểu cho biết, trên thực tế có những cá nhân đạt 5 năm hoàn thành xuất sắc nhưng không được Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở do tiêu chuẩn Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc khác nhau. Hơn nữa, không phải các cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều được Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Ngoài ra, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá chỉ ra rằng, trong nguyên tắc khen thưởng đã quy định một hình thức khen thưởng thì có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng khen thưởng, không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề cập đến nguyên tắc về thi đua và danh hiệu thi đua.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ thống nhất việc cụ thể hóa bình đẳng giới trong khi đua, khen thưởng. Trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ phương diện thi đua và khen thưởng, đồng thời bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng đối với lực lượng yếu thế người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có cùng thành tích, cùng công trạng đạt được nhằm tạo động lực, sức bật cho mọi đối tượng thành phần xã hội nhằm tạo dựng, tôn vinh diện mạo thi đua, khen thưởng của đất nước.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần có thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời. Theo đại biểu, nếu một cá nhân nhận được thư khen của Chủ tịch Nước hay Thủ tướng Chính phủ thì đó sẽ là sự động viên to lớn, giúp các cá nhân phấn đấu và làm tốt hơn nữa; đồng thời cũng là sự động viên đối với các phong trào thi đua, khen thưởng. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng khẳng định, thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, là nguồn động viên tinh thần to lớn, do đó mong muốn được quy định trong dự thảo Luật lần này./.