ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

01/06/2022

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em.

Toàn cảnh phiên họp

Quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em, các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thời gian qua đã được Chính phủ trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo. Trong đại dịch COVID-19, trẻ em cũng được hỗ trợ bằng nhiều chính sách cụ thể nhưng cũng còn một số vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm, đặc biệt về công tác chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa sau đại dịch; công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trẻ em; đặc biệt là công tác bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước…

Theo số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề đau xót mà nhiều năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều quan tâm chỉ đạo nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ đuối nước vẫn còn cao. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị. 

Để việc phòng, chống tai nạn do đuối nước, một số đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai và kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định 1248 nghiêm túc để các chính sách đi vào thực tiễn, mang lại kết quả cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường học, nhất là vùng nông thôn, khó khăn để đáp ứng được việc dạy bơi em học sinh. Kêu gọi sự quan tâm, chăm lo hơn nữa của xã hội với sự an toàn của trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.

Nêu ý kiến tại hội trường về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa- Đoàn ĐBQH Hải Dương cho rằng, nguyên nhân là do trẻ em còn thiếu kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước (không chỉ là kỹ năng bơi mà kỹ năng bơi an toàn) và sự thiếu hụt nơi vui chơi, giải trí công cộng cho trẻ em.

Đại biểu cho biết, hiện nay kỹ năng bơi an toàn đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương để đào tạo cho các em cái khó là kinh phí đầu tư bể bơi cho các em thực hành.

Về nơi vui chơi, giải trí công cộng cho trẻ, đại biểu chỉ rõ, trong số các tiêu chí về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đều có tiêu chí có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em. Đại biểu đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu này, không chỉ có nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em mà còn phải có các công trình công cộng để tất cả trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận các cơ sở này.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp từ các tỉnh, thành phố đến ngày 15/02/ 2022, toàn quốc có 4335 trẻ em mồ côi do COVID-19, trong đó có nhiểu trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân. Đại biểu cho biết, mặc dù các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu đã được ban hành và đang được thực hiện cùng với các chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên khác, tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về việc các địa phương đã thống kê đầy đủ số lượng, hoàn cảnh của các cháu và đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đến tận tay các cháu hay chưa?

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho các cháu về vật chất và quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.

Liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, các đại biểu Quốc hội cho rằng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Qua khảo sát thực tiễn, một số thầy cô giáo cho biết, công tác tâm lý học đường hiện nay chủ yếu do các giáo viên chủ nhiệm đảm trách, nhưng không phải thầy cô nào cũng có kỹ năng, kiến thức về tâm lý học và không phải trường hợp nào học sinh cũng tin tưởng để mở lòng với giáo viên về vấn đề của mình. Do đó, nhiều giáo viên kiến nghị cần phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ khám, tư vấn tâm lý chuyên nghiệp cung cấp trên các nhà trường, các thầy cô danh sách về các bác sĩ, phòng khám tâm lý chuyên nghiệp để các nhà trường, các thầy cô phối hợp tham vấn và giới thiệu cho học sinh, cha mẹ học sinh khi cần thiết.

Nhấn mạnh giải pháp này rất xác đáng, nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu  Bộ Y tế nghiên cứu thực hiện cùng với các giải pháp khác để hoàn thành chỉ tiêu của chương trình sức khỏe học đường, phấn đấu để học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi.

Cho rằng những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cần được toàn xã hội quan tâm, trong đó trực tiếp nhất là công chức làm công tác trẻ em cấp xã. Tuy vậy, các đại biểu cho biết, hiện nay theo quy định của Bộ Nội vụ, một công chức văn hóa xã hội cấp xã phụ trách 17 lĩnh vực thì không đủ thời gian, vật chất để thực hiện toàn bộ 10 nhiệm vụ mà Điều 53 và Điều 72 Luật trẻ em (sửa đổi) giao.Do vậy, nếu không có các vụ việc xảy ra thì công tác trẻ em sẽ không có được sự quan tâm đúng mức.

Đại biểu nhấn mạnh, một trong những thông điệp của Tháng hành động trẻ em năm 2002 là “Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động”, các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát, hướng dẫn Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em (sửa đổi), trong đó có việc định kỳ hằng năm xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc thực hiện quyền trẻ em và việc giải quyết vấn đề về trẻ em ở địa phương.

Bên cạnh đó, trong Nghị quyết của Kỳ họp lần này, các đại biểu đề nghị đưa nội dung giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện khẩn trương các chính sách chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa; chăm lo sức khỏe tâm thần của trẻ em và tăng cường đầu tư triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, nhất là phòng, chống đuối nước./.

Thu Phương