Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra
Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài ở nhiều địa phương, Chính phủ kịp thời điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân (năm 2021 đã thực hiện miễn, giảm, giãn ước khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất), góp phần từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân trong trạng thái bình thường mới. Qua đó, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt 1,568 triệu tỷ đồng, vượt 16,8% so với dự toán. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.
Thẩm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ. Trong năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm, cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Theo đó, căn cứ Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chỉ đạo triển khai nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường giám sát, lắng nghe ý kiến của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan kịp thời ban hành và trình Quốc hội quyết định nhiều chính sách quan trọng, những giải pháp chưa có tiền lệ, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống dịch và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục hồi kinh tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản pháp luật trong điều hành kinh tế - xã hội, chú trọng cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có những hạn chế. Cụ thể, việc chậm ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hằng năm và 5 năm đã ảnh hưởng đến tiến độ và là một trong các nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương. Những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều bộ, ngành, địa phương năm 2020 chưa được khắc phục như: chậm ban hành, việc ban hành còn hình thức, chưa sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, nội dung còn chung chung, thiếu chi tiết, khó triển khai thực hiện, khó đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, trong bối cảnh chuyển công tác phòng, chống dịch COVID-19 sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” và phục hồi kinh tế, Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chưa điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 cho phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, một số chính sách được Quốc hội ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nhưng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan chậm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết. Có quy định chưa sát với thực tế, khó thực hiện, làm lãng phí thời gian và nguồn lực, nhất là cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa thống nhất với hướng dẫn của Trung ương, làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân./.