CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ QUY ĐỊNH PHỔ BIẾN PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

27/05/2022

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu quan tâm đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng. Nhiều ý kiến đồng tình quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, một số ý kiến lựa chọn phương án tiền kiểm. Một số ý kiến đề nghị cần thiết ban hành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Đồng tình quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, ngoài phổ biến phim tại hệ thống chiếu rạp được cấp phép, phổ biến phim trên không gian mạng cũng cần được cấp phép để bảo đảm bình đẳng hay nói cách khác là tiến hành tiền kiểm với dịch vụ OTT.

Đại biểu thống nhất với Điều 21 của dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng là giao chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng, không phân biệt đó là OTT trong nước hay là OTT xuyên biên giới. Tự phân loại, chịu trách nhiệm phân loại và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm. Đây là phương án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Theo đại biểu, dịch vụ OTT là dịch vụ có nhiều ưu điểm, là xu hướng toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng rất khác với phim chiếu rạp. Số lượng phim rất lớn, liên tục cập nhật qua dịch vụ này, nếu tiền kiểm thì khó khả thi và bảo đảm tính kịp thời. Hiện nay, một năm chúng ta mới kiểm duyệt 350 phim còn tồn đọng, thì với hàng nghìn phim thì việc này sẽ rất khó khả thi. Tiền kiểm có những hạn chế là làm cho doanh nghiệp OTT mất chủ động, người dân mất cơ hội tiếp cận nhiều phim hơn, tiếp cận sớm đối với phim, làm tăng chi phí kiểm duyệt, tăng thủ tục tuân thủ. Không phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tiền kiểm trong nhiều trường hợp vẫn phải hậu kiểm. Ví dụ như có những phim đã kiểm duyệt nhưng khi ra chiếu rạp thì nội dung lại khác. Vẫn còn những phim đã kiểm duyệt nhưng còn vi phạm.

Đại biểu nhấn mạnh, nếu tiến hành hậu kiểm và quy định chặt chẽ như dự thảo Luật thì vẫn bảo đảm được hiệu quả quản lý. Theo đó, cần phải quy định rõ chủ thể được phổ biến phim trên không gian mạng, quy định rõ trách nhiệm phân loại, quy định về điều cấm và việc xử lý khi vi phạm điều cấm. Quy định cơ chế khiếu nại, tố cáo hay là cơ chế báo cáo xử lý, người dùng báo cáo và cơ quan có thẩm quyền xử lý, yêu cầu gỡ bỏ. Quy định về nhân lực, phương tiện kỹ thuật để kiểm soát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhận thấy, với quy định hậu kiểm như vậy sẽ mang lại lợi ích giảm chi phí quản lý, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam quan tâm và băn khoăn việc phổ biến phim trên không gian mạng. Dự thảo luật tại Điều 21 đã chỉnh lý chọn quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến này. Đồng thời bổ sung một số nội dung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, gỡ bỏ phim vi phạm, biện pháp quản lý phim, phổ biến phim trên mạng để tạo cơ sở cho công tác hậu kiểm. Theo đại biểu, đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đại biểu đồng tình với quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng.

Băn khoăn cơ chế hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng

Đối lập quan điểm của một số đại biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, bên cạnh việc tiếp thêm những chế định để điện ảnh nước nhà bay cao, vươn xa thì dự luật này phải đảm đương sứ mệnh là công cụ bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội cũng như những sự thật thiêng liêng trước những thông tin xuyên tạc lịch sử, những nội dung xấu, độc, đồi trụy mà nhiều nền tảng xuyên biên giới phổ biến trên không gian mạng OTT đang ngang nhiên tấn công vào tâm thức người xem.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận thấy, dự thảo Luật xây dựng cơ chế hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng mà điển hình là các nền tảng xuyên biên giới tại điểm a khoản 2 Điều 18, điểm b khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27. Trong khi việc để các nền tảng này tự do đi lại trên mặt trận văn hóa thời gian qua đã gây nên những tổn thương không hề nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội. Đại biểu nêu ví dụ, kể từ khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Netfix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước từ phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" đến "Bà Ngoại trưởng" và gần đây nhất là "Bill Gates". Đại biểu cho rằng, chủ quyền lãnh thổ đã và đang đối diện với một hình thái khác mà việc xuyên tạc lịch sử đang ký sinh lên nghệ thuật thứ bảy và những thành tựu khoa học công nghệ.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Gỡ bỏ các nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống để đăng tải trên các nền tảng khác. Do đó, mặc dù báo cáo giải trình đã cố gắng lý giải nhưng chưa thể thỏa mãn với những gì đã, đang diễn ra trên không gian mạng. Điều đáng nói là các nội dung độc hại đang từng ngày len lỏi, cài cắm vào tâm thức người xem, mà tệ hại nhất là giới trẻ xem các nội dung trên các nền tảng này mọi lúc, mọi nơi. Đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn có giải pháp nào để thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, đảm bảo cho trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với trình độ, với độ tuổi xem phim quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21.

“Phổ biến phim trên không gian mạng không phải trải qua quy trình chặt chẽ để được cấp phép phân loại phim như hệ thống rạp hay các điểm chiếu phim công cộng thì liệu đã đảm bảo nguyên tắc, đảm bảo sự bình đẳng cạnh tranh công bằng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh mà ngay từ đầu dự thảo đã đặt ra. Vì sao cùng một nền tảng chính sách nhưng lại có sự phân biệt đối xử, tiền kiểm và hậu kiểm trong khi cùng thực hiện hành vi phổ biến phim”, đại biểu băn khoăn. Với những vi phạm có chủ ý và có tính chất hệ thống hết lần này đến lần khác thì ở góc độ quản lý vẫn còn đó những trăn trở: “Dự thảo vẫn chế định cơ chế hậu kiểm thì liệu đã đánh giá thận trọng những nguy hại khôn lường từ nền tảng xuyên biên giới hay chưa?”, đại biểu chia sẻ.

Giải thích điều này, Tờ trình tại Kỳ họp thứ 2 có nêu "cần xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt về mặt kỹ thuật, về nhân lực và khả năng thực hiện kiểm soát, thẩm định nội dung phim". Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận thấy, việc lấy những khó khăn về nhân lực để lý giải cho quy định hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng, trong khi các công đoạn tiền kiểm hiện nay đều được số hóa và được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng mà các cơ quan thông tấn báo chí quốc gia hiện đang duyệt từng chương trình truyền hình nước ngoài, bao gồm hàng chục nghìn bộ phim mỗi năm trên hàng chục kênh truyền hình phát sóng 24/7 vào Việt Nam liệu đã đủ thuyết phục hay chưa?

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng điểm a khoản 2 Điều 18; điểm b khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27 về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, làm thế nào để hiệu lực của quy định bắt đầu có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem nói riêng và hàng chục triệu người nói chung, là bài toán tiền kiểm hay hậu kiểm mà Quốc hội phải hết sức cân nhắc và chịu trách nhiệm đến cùng trước quyết định của mình.

Cần thiết ban hành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng

Xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng là rất lớn, bên cạnh những bộ phim hay, chất lượng tốt thì cũng xuất hiện nhiều bộ phim có nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật, lạm dụng hình ảnh bạo lực, hành vi phản cảm và thậm chí có chứa đựng nội dung xuyên tạc về lịch sử Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý của người xem. Trong khi đó, quy định của Luật Điện ảnh hiện hành về phổ biến phim trên không gian mạng còn đang có khoảng trống pháp lý. Các quy định của pháp luật có liên quan cũng chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà kiến nghị cần phải quy định chặt chẽ về hình thức phổ biến phim này.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Thứ nhất, đại biểu kiến nghị cần thiết phải quy định mở về hình thức yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng gỡ bỏ phim có nội dung hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu điều chỉnh đối với việc dừng phổ biến phim quy định tại điểm d khoản 2 Điều 18 là nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim.

Thứ hai, đề nghị bổ sung quy định về thời hạn để chủ thể phổ biến phim thực hiện gỡ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó cần quy định trường hợp phải gỡ ngay sau khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, sau đó có thực hiện báo cáo giải trình phản hồi thì mới thực hiện và quy định trường hợp có thời hạn nhất định phải thực hiện việc gỡ bỏ để chủ thể phổ biến phim được giải trình hay phản hồi trước khi gỡ bỏ để xác định rõ nghĩa vụ của chủ thể phổ biến phim và bảo đảm tính kịp thời trong việc xử lý phim khi có vi phạm nhằm hạn chế tối đa những hậu quả thiệt hại xảy ra.

Thứ ba, đề nghị cần phải quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về điện ảnh, an ninh mạng và cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về an ninh mạng trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng.

Để quản lý tốt hoạt động phổ biến phim nói chung và phổ biến phim trên không gian mạng nói riêng thì bên cạnh việc cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như đã được quy định tại Điều 45, 46, 47 dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, cần phải bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trực tiếp đến hoạt động này như đã nêu trên, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định hoặc Chính phủ giao các cơ quan này ban hành cơ chế phối hợp để công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, quy định về phổ biến phim trên không gian mạng tại Điều 21 là rất phù hợp với điều kiện hiện nay. Tại khoản 5 Điều 21, đại biểu kiến nghị bổ sung cụm từ "Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông" trước cụm từ "tổ chức nhân lực", vì để có đủ nguồn nhân lực, phương tiện kỹ thuật phổ biến và kiểm soát phim trên không gian mạng rất cần phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông. Do đó, tại khoản 5 Điều này được viết lại như sau: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật".

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Tô Ái Vang, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Điều 21 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý toàn diện, có quy định chặt chẽ về các chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, có quy định thiết thực về các cơ chế, biện pháp quản lý, giám sát, kiểm soát và trách nhiệm của các tổ chức xử lý vi phạm phổ biến phim trên không gian mạng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, khi chọn phương án giao chủ thể phổ biến phim thực hiện tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng rất cần được Quốc hội cân nhắc vấn đề phân loại đối với phim có yếu tố chính trị, quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng khi chưa thực hiện thẩm định, cấp phép phân loại phim./.

Bích Ngọc