MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG XÉT TẶNG HUY CHƯƠNG THANH NIÊN XUNG PHONG VẺ VANG

27/05/2022

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, một số đại biểu cho rằng cần cân nhắc mở rộng xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với trường hợp là thương binh nặng và không đủ thời hạn 2 năm tại ngũ.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng tình với việc bổ sung tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với thanh niên xung phong có thành tích vào khoản 2 Điều 96 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đây là sự ghi nhận, trân trọng công lao to lớn của Đảng, Nhà nước và của dân tộc đối với lực lượng thanh niên xung phong đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời nó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử rất sâu sắc.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn khen thưởng thanh niên xung phong vẻ vang với người có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên là phù hợp với đề xuất của Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam và tương đương với tiêu chuẩn Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Trường hợp tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ 1 năm trở lên đã được tặng Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trường hợp hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang mà không cần quy định thời gian tại ngũ là phù hợp.

Tuy nhiên, thời gian hoạt động của thanh niên xung phong đã lâu, nhiều người đã mất, việc lưu giữ hồ sơ, nhất là hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục phù hợp để tạo điều kiện cho các thanh niên xung phong có cơ hội, điều kiện để nhận danh hiệu tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ thống nhất tiếp thu, chỉnh lý bổ sung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với nội dung này. Theo đại biểu, việc quy định tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho thanh niên xung phong có thành tích trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là cần thiết, hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy định trao tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang cho lực lượng vũ trang.

Đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 57 hiện đang quy định trao tặng cho các đối tượng là quân nhân, công nhân, chiến sĩ công an, quân đội, đây cũng là kịp thời để động viên, tri ân lực lượng thanh niên xung phong là những người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, còn rất nhiều thanh niên xung phong khó khăn, ảnh hưởng bởi chiến tranh, hy sinh tuổi thanh xuân, nhiều người còn có cuộc sống rất vất vả, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Vấn đề này đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư có kết luận.

Về tiêu chuẩn có thời hạn tại ngũ 2 năm trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng cần cân nhắc thêm đối với trường hợp thanh niên xung phong là thương binh nặng, không thể tiếp tục tham gia thanh niên xung phong nên không đủ thời gian 2 năm. Cần đánh giá, khảo sát thực tế để quyết định, tránh bỏ sót đối tượng và gây thắc mắc khi thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2 Điều 96 đối với trường hợp thanh niên xung phong là thương binh nặng, thời gian tham gia thanh niên xung phong dưới 2 năm.

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Trọng Kim – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, thời hạn xác định 2 năm hoạt động như trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Theo đại biểu, đối với những đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo nhiệm kỳ của đơn vị thanh niên xung phong tập trung ở miền Bắc thường là 3 năm, có trường hợp 4, 5 năm hoặc nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, Nghị định của Chính phủ số 112 năm 2017 quy định đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ Quảng Trị trở vào Cà Mau, các trường hợp thanh niên xung phong cơ sở này thường số tháng, số năm ít, cho nên có thể bị bỏ sót sau khi xem xét để thực hiện quy định này, đây là sự thiệt thòi đối với lực lượng thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, Nghị định 112 của Chính phủ quy định rất cụ thể những nhóm công việc như giao liên, diệt ác, nuôi bộ đội, chuyển thương, chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, lập ấp, xã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác theo sự phân công. Có thể thấy, thời hạn 2 năm đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam rất khó thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét để lực lượng này được xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Mặt khác, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung quy định trường hợp thanh niên xung phong khi đang làm nhiệm vụ bị thương, được công nhận thương binh và không đủ 2 năm được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang tương tự như liệt sĩ. Theo đại biểu, trong trường hợp thanh niên xung phong bị thương, đặc biệt bị thương nặng như thương binh loại 2, loại 1, khoảng 81% trở lên, các đối tượng này sẽ không thể tiếp tục nhiệm vụ và không đủ thời hạn 2 năm theo quy định của dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, những trường hợp trên không được phong tặng danh hiệu là chưa hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ nhưng bị thương được công nhận thương binh cũng được xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang tương tự như liệt sĩ./.