HẬU KIỂM VỚI PHIM PHỔ BIẾN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG LÀ PHÙ HỢP

26/05/2022

Thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu ủng hộ quy định hậu kiểm đối với phim phổ biến, phát hành trên không gian mạng.

Theo Báo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm có 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. 

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đưa ra những quy định hợp lý hơn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt để ngành điện ảnh phát triển bền vững.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã chọn quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim theo 4 hình thức. Phương pháp quản lý này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh  Hà Nam 

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng.

Tuy nhiên để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 5 Điều 21 theo hướng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng, quy định hậu kiểm chặt chẽ như dự thảo vẫn bảo đảm được hiệu quả quản lý. Theo đó, quy định rõ chủ thể được phổ biến phim trên không gian mạng, trách nhiệm phân loại, quy định điều cấm và xử lý khi vi phạm điều cấm; quy định cơ chế khiếu lại tố cáo; cơ chế báo cáo xử lý người dùng báo cáo và cơ quan có thẩm quyền xử lý yêu cầu gỡ bỏ; quy định về nhân lực, phương tiện kỹ thuật để kiểm soát kiểm tra xử lý vi phạm. Với quy định hậu kiểm như vậy sẽ đem lại lợi ích về giảm chi phí quản lý, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập./

Thu Phương