PHÁT HUY VAI TRÒ PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH

26/05/2022

Thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quan tâm phát huy vai trò phản biện xã hội đối với các tác phẩm điện ảnh

Theo Báo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm có 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. 

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đưa ra những quy định hợp lý hơn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt để ngành điện ảnh phát triển bền vững.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã chọn quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim theo 4 hình thức. Phương pháp quản lý này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.

 Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung và chỉnh lý dự thảo luật theo hướng kế thừa hợp lý quy định của luật hiện hành, có quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Để chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển chung, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung trang thiết bị hiện đại vào điểm h khoản 2 Điều 5 và chỉnh lý lại theo hướng xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, phát hành phổ biến lưu chiếu và lưu trữ phim của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục hạn chế trong quản lý và sử dụng những vụ việc liên quan đến sử dụng trang thiết bị hiện đại để thực hiện hành vi truyền phát phim trái pháp luật hoặc chưa có sự đồng ý của tác giả hoặc là của cơ sở phổ biến phim, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung truyền phát vào điểm b khoản 2 Điều 19, chỉnh lý theo hướng ngăn chặn việc sao chép ghi âm, ghi hình, truyền phát phim trái pháp luật, yêu cầu cá nhân vi phạm rời khỏi rạp chiếu phim.

Đặc biệt, để phát huy vai trò phản biện xã hội đối với các tác phẩm điện ảnh, giúp công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh hiệu quả hơn cũng như có thể xem đây là một trong những khâu kiểm duyệt đầu tiên, quan trọng. Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung phê bình tác phẩm điện ảnh vào luật như phê bình tác phẩm văn học đã thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam 

Phát biểu về dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá cao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan trong thời gian vừa qua đã tích cực nghiên cứu tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, tổ chức xin ý kiến nhiều lần các chuyên gia, các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành có liên quan; hồ sơ dự thảo Luật được các cơ quan phối hợp chuẩn bị công phu, chu đáo.  Đại biểu cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã bao quát, bám sát các chủ trương “văn hóa phải được đặt ngang tầm với kinh tế, chính trị” của Đảng; tiếp cận đầy đủ, song song cả 2 mặt của điện ảnh: một là điện ảnh là một ngành nghệ thuật; hai là điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa.

Quan tâm đến nội dung về chính sách phát triển điện ảnh quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật. Theo đó, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim gắn với hoạt động du lịch, giải trí. Đại biểu tỉnh Hà Nam cho rằng, quy định như dự thảo Luật vẫn là nhà nước đầu tư là chính. Đại biểu cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta cần tạo cơ chế xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư tư nhân để đầu tư trường quay hiện đại này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu đề xuất quy định hậu kiểm phải gắn với chế tài đồng bộ, đồng thời, kịp thời. Cụ thể, thứ nhất, có cơ chế để phát hiện, khắc phục hậu quả và để xử lý vi phạm nhanh nhất, kịp thời nhất sau khi phim đã được phổ biến trên không gian mạng để tránh các rủi ro, hậu quả về văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, quy định rõ, chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm nghiêm đối với các Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng để buộc họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân loại phim, phổ biến phim.

Thu Phương