Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo tại Phiên họp Quốc hội chiều 23/5
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 cho thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới. Trong đó có tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vẫn diễn ra khá phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán, đối chiếu.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội, công tác quản lý thu tại một số cơ quan thuế còn tình trạng không hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua một số kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ; chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra hoặc lập chưa đúng mẫu quy định; kéo dài thời gian kiểm tra, thanh tra không có lý do; thực hiện kiểm tra, thanh tra ngoài phạm vi quyết định. Bên cạnh đó còn trường hợp miễn giảm thuế cho hộ kinh doanh chưa phù hợp quy định, một số doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định.
Kết quả kiểm toán Chuyên đề liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020 và Chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, cơ chế chính sách về thuế còn bất cập; Uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố chưa chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành phục vụ công tác quản lý giá giao dịch liên kết; Tổng cục Thuế chưa ban hành bộ tiêu chí hỗ trợ phân tích rủi ro đối với việc phân loại hồ sơ hoàn thuế; lập dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng chưa sát thực tế; chưa đánh giá tác động của cơ chế chính sách đến số hoàn thuế; tỷ lệ kiểm tra hồ sơ tại trụ sở Cơ quan Thuế năm 2020 đối với doanh nghiệp có kê khai giao dịch liên kết thấp;…
Các đại biểu tham dự phiên họp
Về quản lý nợ thuế, qua kiểm toán cho thấy, 53/63 địa phương có dư nợ có khả năng thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao; 60/63 địa phương có mức dư nợ khó thu giảm, trong đó có một số địa phương có mức giảm cao. Có 19/45 Cục Thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế; phần lớn các Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao về thu nợ thuế trong năm 2020. Một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời; phân loại nợ chưa đúng quy định .
Ngoài ra, số khoanh nợ thuế đã được các Cục Thuế địa phương điều chỉnh giảm trên báo cáo nợ thuế mẫu 02/QLN đến 31/12/2020 và theo dõi trên một mục danh sách các quyết định khoanh nợ trên TMS. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định “Cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 của Luật này”, nhưng quy trình quản lý nợ thuế tại Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 chưa sửa đổi cho phù hợp với Luật quản lý thuế năm 2019.
Bên cạnh đó, nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý, nợ quá hạn đến 31/12/2020 tăng 1% so với năm 2019, bằng 2,2% số thu ngành Hải quan năm 2020. Cụ thể, nợ quá hạn về thuế chuyên thu tăng 1,4%; nợ quá hạn về thuế tạm thu giảm 0,7%. Ngoài ra, còn 15/36 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2019. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chủ yếu là kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra sau thông quan mà các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã ban hành các quyết định ấn định thuế đối với một số các doanh nghiệp, dẫn đến làm phát sinh tăng số nợ tiền thuế phải thu.
Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020
Mặt khác, qua kiểm toán cho thấy, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 về quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong đó quy định phân loại nợ khó thu đối với trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh là không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế hiện hành. Liên quan đến quản lý nợ thuế, quy trình quản lý nợ của Tổng cục Thuế tại Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 trong đó nợ khó thu không bao gồm trường hợp “ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh”. Về tình hình khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, năm 2020 Tổng cục Hải quan chưa thực hiện khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ .
Từ những phân tích trên, Kiểm toán nhà nước kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Cùng với đó chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu để sớm sửa đổi quy trình quản lý nợ thuế nhằm đảm bảo quản lý nợ thuế phù hợp với Luật Quản lý thuế năm 2019./.