HUY ĐỘNG SỨC MẠNH, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, ĐẠT VÀ VƯỢT 7/12 CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI ĐÃ ĐỀ RA

23/05/2022

Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo mục tiêu đã đề ra.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo

Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, nước ta lần đầu đối mặt với các tác động nghiêm trọng cả về y tế, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng động doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược “phòng, chống dịch COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, chúng ta đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo mục tiêu đã đề ra, mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả để duy trì và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động; hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong Quý IV, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nền kinh tế đã xuất hiện những điểm sáng tích cực về sản xuất, đầu tư, thương mại và dịch vụ ; góp phần củng cố niềm tin, tinh thần phấn khởi, lạc quan của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi từng bước của nền kinh tế. Về tổng thể, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; tỷ giá, thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hiện lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%; thu ngân sách nhà nước vượt khá cao so với dự toán, tăng 16,8%, so với số đã báo cáo, trong đó 03 khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đều vượt dự toán rất cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm tăng 19%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao kỷ lục. Giải ngân kế hoạch đầu tư công đến ngày 31/01/2022 đạt 91,7% kế hoạch Quốc hội giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục được duy trì, mở rộng; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 14,9% . Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai, đến hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã, 213 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng đạt 25,2%  với một số dự án lớn như Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng Long An I và II của nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Long An, Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản tại thành phố Cần Thơ...; đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào vận hành, khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện; cải cách hành chính có chuyển biến tích cực với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Đổi mới sáng tạo, kinh tế số , những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, cùng với ứng dụng khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin  được đẩy mạnh đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp (startup) đạt mức cao kỷ lục.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá, nước ta đã tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh cao đẳng, đại học, khai giảng năm học mới mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tăng cường. Xử lý linh hoạt, phù hợp, hiệu quả các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới. Thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới tích cực, kịp thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hồ Hương